Một cái nhìn về âm nhạc Việt Nam hải ngoại

Nhà văn Đỗ Minh Tuấn (Việt Nam) phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Quang Tuấn (Úc) về tình hình âm nhạc hải ngoại. Cuộc phỏng vấn được thực hiện vào tháng 5, 2003. Dưới đây là một trích đoạn.

 

 

 


ĐMT: Là một nhà khoa học, một nhạc sĩ sáng tác, anh thấy nền âm nhạc Việt Nam hải ngoại so với âm nhạc trong nước có gì khác, có gì mới, có gì hơn và có gì còn chưa tới?

PQT: Có khác nhiều vì hoàn cảnh ngoài nước và trong nước rất khác nhau. Ở ngoài nước, số thính giả khá ít và ít người trẻ. Vì đụng chạm với môi trường văn hóa xa lạ nên phần đông thính giả đi tìm về cái cũ làm chỗ nương tựa. Trong nước, số thính giả đông hơn và nhiều người trẻ, thích mới lạ. Ngược lại, nhạc sĩ hải ngoại có nhiều cơ hội tiếp cận với cái mới hơn nhạc sĩ trong nước.

ĐMT: Theo anh âm nhạc hải ngoại có mấy dòng? Đặc điểm và thành tựu của mỗi dòng là gì?

PQT: Theo tôi, nhạc Việt Nam chưa đủ phong phú để chia thành nhiều dòng như jazz, blues, classical, avant-garde, country, rock, rap, v.v. của Tây phương. Thay vì vậy tôi xin tạm chia thành hai dòng: "nhạc phổ thông" và "nhạc khai phá". Hai dòng nhạc không hoàn toàn riêng rẽ, có những bản nhạc phổ thông như của Phạm Duy, Lê Thương, Trịnh Công Sơn có một giá trị "khai phá" nào đó (dù nhiều khi chỉ là khai phá đối với Việt Nam), và có những bản nhạc khai phá sau một thời gian dài được quần chúng chấp nhận và trở thành khá phổ thông như nhạc của Debussy, Satie hay Le Sacre Du Printemps của Stravinsky. Có người gọi nhạc khai phá là "nhạc nghệ thuật", tuy nhiên gọi như vậy cũng không chính xác lắm và có thể mích lòng những người viết nhạc phổ thông. Nhiều bản nhạc phổ thông xử dụng những kỹ thuật sẵn có một cách tài tình để gây "cộng hưởng" ở người nghe, đó cũng là một giá trị nghệ thuật.

Nhạc phổ thông là nhạc - hầu hết là ca khúc – xử dụng những kỹ thuật đã quen thuộc và "bảo đảm hiệu quả", có thể tìm thấy trong sách dạy viết nhạc nhập môn. Nói chung, đó thường là những bài ca có hầu hết các đặc điểm như sau: thể điệu quen thuộc, dễ nghe, quyến rũ thính giả chỉ nhờ vào lời ca và giai điệu, dùng ngũ cung hay thất cung, với cấu trúc ABA, tiết tấu đều đặn theo một nhịp khiêu vũ quen thuộc, chủ âm rõ rệt và về chủ âm thường xuyên, có tiến trình hợp âm quen thuộc kiểu như I-II-V-I, với những đường giai điệu (melodic line) êm đềm và dễ đoán, lời lẽ tình cảm mùi mẫn.

Nhạc phổ thông viết ra để phục vụ những nhu cầu của quần chúng, cơ bản là nhu cầu giải trí, khiêu vũ, nhưng cũng còn những nhu cầu tinh thần: tâm linh, tôn giáo, tình cảm (tình yêu, tình gia đình, tình quê hương, hoài cổ), hoặc giáo dục trẻ em v.v. Tuy nhạc phổ thông không chủ ý khai phá và do đó giá trị nghệ thuật có phần giới hạn, nhưng nó cần phải nói tới, vì đây là loại nhạc mà có lẽ 99% quần chúng nghĩ tới khi họ nói tới "nhạc". Vì mục đích chính là phục vụ những nhu cầu của quần chúng, nên sự tiến triển của nhạc phổ thông gần như hoàn toàn tùy thuộc vào thị hiếu của quần chúng, phản ảnh qua số băng bán được của vài trung tâm thương mại như Asia, Thúy Nga Paris. Cái "hay" của một bản nhạc phổ thông thường được đo lường bằng số người thích bản đó.

Những người trẻ sinh ra ở hải ngoại thì đã có nhạc trẻ Tây phương để giải trí, họ ít nghe nhạc Việt Nam. Chỉ có những người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam mới nghe nhạc phổ thông Việt Nam, mà tuổi trung bình của họ bây giờ có lẽ chừng 50. Ca nhạc đối với họ phần lớn là để giải trí và xoa bóp nỗi sầu hoài hương, hoài cổ. Do đó, họ không thích nhạc "mới mẻ" mà tìm nghe những tác phẩm tiền chiến (trước 54) hoặc của miền Nam trước 1975, hoặc những tác phẩm mới nhưng làm theo phong cách cũ. Các tác giả, hoặc những người viết từ trước khi di cư, hoặc bắt đầu viết sau này, nếu muốn được ưa thích thì vô tình hay cố ý phải hướng sự sáng tác của mình theo những đường hướng đó.

Ngoài những trung tâm phát hành lớn, các nhạc sĩ ca sĩ trong dòng nhạc phổ thông (cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư) cũng có thể tự ra băng hay tổ chức văn nghệ, nhưng dù làm thương mại không phải là mục đích chính của họ, nhạc của họ cũng vẫn cùng những đặc tính như trên.

Tuy không làm ra được gì mới mẻ, nhưng thành tựu lớn của dòng nhạc phổ thông hải ngoại là đã bảo tồn được hầu hết tác phẩm cũ của một số nhạc sĩ một thời bị cấm ở Việt Nam, nhất là Phạm Duy. Những tác phẩm này là một phần quan trọng trong gia tài âm nhạc Việt Nam và khi đất nước mở cửa thì những nhạc này lại được lưu hành trong nước.

Dòng "nhạc khai phá", tức là nhạc có mục tiêu sáng tạo để mở rộng ranh giới của nghệ thuật (như nhạc avant garde, nhạc "jazz thử nghiệm") thay vì để phục vụ cho số đông, thì số người sáng tác hãy còn rất ít và ít được quần chúng Việt Nam biết tới. Tuy nhiên số lượng tác phẩm của họ khá lớn và có một số tác phẩm đồ sộ đáng chú ý, vì các tác giả này phần đông là những khúc tác gia (composers) chuyên nghiệp và thành danh trong giới nhạc quốc gia hay quốc tế. Trong những người có tên tuổi có thể kể Phan Quang Phục (Mỹ), Hoàng Ngọc-Tuấn, Lê Tuấn Hùng (Úc), Nguyễn Thiên Đạo, Tôn Thất Tiết, Trần Quang Hải, Nguyên Lê (Pháp), v.v. Những tác giả này nếu có dùng nhạc truyền thống thì cũng thường kết hợp với nhạc hiện đại.

ĐMT: Những cái mới trong âm nhạc Việt Nam hải ngoại là gì? Những cái mới đó đã phát huy cái gì, kế thừa cái gì và khước từ cái gì trong âm nhạc Việt Nam truyền thống?

PQT: Về chủ đề, nhiều tác phẩm hải ngoại, trong cả hai dòng nhạc phổ thông và khai phá, đã dùng chủ đề "diaspora" và những trăn trở về sự đụng chạm văn hóa trong đời sống thường ngày, đây cũng là một đóng góp để mở rộng "kinh nghiệm sống của dân tộc " ra ngoài những chủ đề cũ như tình yêu, chiến tranh, làng mạc...

Còn ngoài ra, âm nhạc phổ thông, như đã nói, không có cách tân mà chỉ bảo tồn. Có thể có một vài đổi mới trong kỹ thuật trình diễn (do cộng tác với các phòng thu và nhạc công Tây phương), trong cách hòa âm phối khí, nhưng những nét chủ yếu thì không có gì thay đổi.

Về các dòng nhạc khai phá, đối với những người muốn cách tân, sống ở hải ngoại đem tới rất nhiều thuận lợi vì họ được tiếp cận nhiều với đủ các loại nhạc trên thế giới, qua phát thanh, thư viện, internet, CD, các buổi hòa nhạc, học hỏi và tiếp xúc trực tiếp với các đàn anh. Do đó họ dễ dàng học hỏi từ các luồng nhạc khác và đem những yếu tố mới vào nhạc của họ, hoặc phát minh ra những gì hoàn toàn mới. Kế thừa cái gì thì tùy trường hợp mỗi tác giả, tuy nhiên tôi nghĩ không hề có việc "khước từ" cái gì cả trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, trái lại là đằng khác, ai cũng khao khát biết nhiều hơn về nhạc truyền thống ViệtNam để xử dụng theo phong cách của mình. Tuy nhiên, vì sống trong một môi trường đa dạng, phong phú và nhiều cá nhân chủ nghĩa (individualism) hơn, nên họ sẽ xử dụng những yếu tố truyền thống theo phong cách riêng của họ, kiểu như kỹ thuật đồng song thanh trong nhạc đương đại không dùng theo cách cổ truyền của Mông Cổ hay Tuva. Họ không sợ bị phê bình rằng dùng thế này là "lai căng", thế kia là "không đúng truyền thống", v.v. (trừ phi họ cố ý muốn làm một khúc nhạc hoàn toàn truyền thống, dĩ nhiên). Họ không sợ mất truyền thống, vì họ nghĩ rằng giữ truyền thống là việc của các nhà nghiên cứu, các thư viện và các nhạc sĩ "truyền thống chính hiệu" chứ không phải việc của họ.

Họ được tiếp cận với những dòng nhạc mới mẻ trên thế giới hoặc những dòng nhạc từ những đất nước xa xôi hẻo lánh mới được khám phá gần đây (do phong trào nghiên cứu nhạc dân tộc – ethnomusicology - nở rộ mấy chục năm nay) nên cảm quan mỹ thuật của họ không còn bị gò bó trong cái khung mỹ thuật truyền thống hay khung cổ điển - lãng mạn Tây phương thường được người thành thị Việt Nam coi là khuôn mẫu.

Trí thức Tây phương tuy tôn trọng triệt để những gì đã có trước – khi nhắc lại một câu nói của tiền nhân họ không dám nhắc sai một chữ và luôn luôn viết rõ tên tuổi và tác phẩm của người được nhắc – nhưng luôn luôn tự tin là mình có thể làm khác, làm hay hơn những gì tiền nhân đã làm. Một số nhạc sĩ hải ngoại đã thấm nhuần tinh thần đó và họ có một cái nhìn rất khác về sáng tạo so với các nhạc sĩ Việt Nam.

Nói tóm lại theo tôi thì cái mới của nhạc hải ngoại là ở cảm quan mở rộng và tinh thần bạo dạn khai phá của người làm nhạc. Chỉ riêng việc đánh đổ thành kiến "văn hóa Việt Nam thì phải cổ, phải truyền thống, cái gì mới tức là văn hoá Tây phương hay là lai căng" đã là một đóng góp đáng kể cho nghệ thuật Việt Nam. Một nền nghệ thuật lành mạnh thì không thể sợ cái mới. Tuy nhiên những cái thực sự mới đó thường khó cảm nhận hơn và dễ gây hiểu lầm là lập dị để được chú ý, bởi những người Việt Nam còn giữ mỹ quan truyền thống, tức là đại đa số.

ĐMT: Công chúng âm nhạc hải ngoại có đặc điểm gì? Có đủ trình độ thưởng thức những nhạc phẩm cách tân không? Phải chăng phần lớn công chúng hải ngoại mang mỹ cảm tiền chiến?

PQT: Như đã nói, đặc điểm là: trung niên hoặc già (thường là chừng 35-40 trở lên, trung bình chừng 45-50), hoài hương và hoài cổ, nghe nhạc để tìm lại cái quen thuộc thời xa xưa (tiền chiến và miền Nam trước 75) chứ không phải để tìm cái mới mẻ. Gọi là mỹ cảm tiền chiến cũng được. Đối với họ nhạc tiền chiến là thời kỳ vàng son, là đỉnh cao của nghệ thuật nhạc Việt Nam, nhạc bây giờ không thể "hay hơn" được nhạc tiền chiến. Nhạc sĩ tiền chiến được coi như những siêu nhân, những Mozart và Beethoven của Việt Nam. Muốn khen một bản nhạc mới, họ có thể nói "nghe như nhạc tiền chiến". Nhiều nhóm nhạc được thành lập với những cái tên đại khái như "Một Thời Vang Bóng" (đây chỉ là 1 tên tưởng tượng, tôi xin miễn nói đến tên thật của nhóm nào để khỏi đụng chạm) để hát nhạc tiền chiến.

Người "có trình độ" thì thường tìm vào nhạc cổ điển-lãng mạn Tây phương hay mới lắm là jazz, là những cái thường được người Việt Nam trước 75 (và người Việt Nam bây giờ) coi là "cao cấp". Giới trẻ mà có trình độ vì được huấn luyện ở trường thì có thể thích thám hiểm những cái mới lạ hơn, nhưng họ lại thường đi vào nhạc Tây phương chứ ít để ý đến nhạc Việt Nam.

ĐMT: Tương lai âm nhạc Việt Nam hải ngoại ra sao? Anh có ý định về Việt Nam xây dựng các chương trình âm nhạc?

PQT: Nghề chính của tôi không cho phép tôi có những hoạt động như về Việt Nam xây dựng chương trình âm nhạc, tôi chỉ đóng góp bằng cách sáng tác và tìm cách quảng bá những gì tôi cho là mới lạ nhưng vẫn không quá xa khả năng cảm nhận của thính giả, kiểu như là một cái cầu nối đi vào nhạc khai phá (xin xem trang âm nhạc của Tiền Vệ hoặc www.tuanpham.org ).

Tuy nhiên, gợi được sự tò mò của một thính giả Việt Nam với cái "hơi mới" cũng đã là cả một sự khó khăn, vì cái thành kiến rằng "nhạc hay thì phải dễ nghe" đã ăn sâu vào tâm thức của thính giả Việt Nam. Chữ " khó nghe" kể như là bản án tử hình của một bản nhạc. Chữ "lối mòn" dùng trong âm nhạc rất chính xác, vì khi đã nghe quen một điệu nhạc thì dường như trong tai óc ta đã có một cái rãnh bánh xe bò, điệu nhạc đi ra ngoài một chút là thấy "kênh xe", chói tai liền. Cảm quan của thính giả trung bình, nghe nhạc một cách thụ động, là tổng thể những cái rãnh như vậy, lâu ngày thành một cái vực sâu hoắm khó ra khỏi.

Về tương lai âm nhạc Việt Nam hải ngoại thì tôi nghĩ rằng nhạc phổ thông sẽ dần dần bị thay thế bởi nhạc phổ thông từ trong nước. Điều này không thể tránh được vì thế hệ một sẽ biến mất và các thế hệ sau hòa nhập vào xã hội bản xứ. Nhạc khai phá hải ngoại thì sẽ tiếp tục phát triển và được nhiều người biết đến hơn (tuy vẫn chỉ là 1 thiểu số sành điệu), nhờ có internet, và chắc sẽ đóng góp một vai trò đáng kể trong việc phát triển nhạc hiện đại / khai phá ở trong nước. Số người sáng tác và nổi tiếng cũng sẽ tăng, và dù hoà nhập họ sẽ không quên nguồn gốc Việt Nam vì đó là một vốn liếng quí cho người sáng tác đương đại. Trong nước cần giúp họ trau dồi những vốn liếng đó bằng phương tiện internet, multimedia và bằng seminars, hợp tác nghệ thuật.

Những phương tiện multimedia mới như MIDI, mp3, Real Audio, Flash v.v. rất thuận tiện cho việc truyền bá những tác phẩm phi thương mại. Mới đây, đã có một trang web đầu tiên chuyên về nhạc đương đại Việt Nam (và các bộ môn nghệ thuật khác) là trang Tiền Vệ (tienve.org) do Hoàng Ngọc-Tuấn và Nguyễn Hưng Quốc chủ trương.

Một điều đáng tiếc, theo tôi, là khoảng cách quá xa giữa hai dòng nhạc, phổ thông và khai phá. Một nền âm nhạc lành mạnh và phong phú như của các nuớc tiền tiến thì phải có sự tương tác (interaction) thường xuyên, như ta đã thấy nhạc jazz từ một thể loại phổ thông của người da đen thành một dòng nhạc đa dạng và có nhiều khai phá nhờ ảnh hưởng của nhạc hàn lâm, và ngược lại sự phóng khoáng của jazz đã ảnh hưởng nhạc hàn lâm rất nhiều. Một ví dụ khác là ban Beatles đã đem nhạc Ấn Độ vào dòng nhạc Pop. Những tương tác đó gần như không bao giờ có trong nhạc Việt Nam. Cần thêm nhiều tác phẩm "bắc cầu" giữa hai dòng nhạc, và những buổi trình tấu và phát thanh cho công chúng trong đó có những bản nhạc khai phá, được dẫn giải, song song với nhạc phổ thông (kiểu như các hoạt động "phổ biến khoa học" - science popularization - của Carl Sagan, Isaac Asimov, David Attenborough đã dẫn rất nhiều thanh thiếu niên vào con đường khoa học).


Xem thêm:

Các nhạc sĩ đương đại Việt Nam by Trần Quang Hải, 9/2003
Vietnamese Music in Australia: a general survey by Le Tuan Hung 6/2003

HOME