http://www.bayvut.com/baivo/s2433855.htm

Cập nhật 1/12/2008 9:24:07 AM

'Tiếng hát với cung đàn'

Được giới nghiên cứu đánh giá cao với nhiều bài viết phê bình âm nhạc sâu sắc, thầy Phạm Quang Tuấn còn được biết đến cùng với những học giả, văn sĩ người Việt nổi tiếng tại Úc, cùng tên Tuấn, như nhà Việt học/thầy giáo Nguyễn Ngọc Tuấn, nhà văn/nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn, giáo sư Y khoa Nguyễn Văn Tuấn.

Với thầy Quang Tuấn, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn là hai nhạc sĩ lớn của Việt Nam về cả phẩm lẫn lượng, tuy rằng nhạc của họ rất khác nhau. Tham khảo một đoạn viết của ông: “Trong khi Trịnh Công Sơn… kể lể suy tư suốt mấy trăm tác phẩm, thì Phạm Duy, trái lại, như một con bướm bay từ vườn này sang vườn khác. Trịnh Công Sơn tinh khiết, Phạm Duy xác thịt. Trịnh Công Sơn là mặt trăng, Phạm Duy là mặt trời. Trịnh Công Sơn trừu tượng, Phạm Duy cụ thể. Trịnh Công Sơn đơn điệu đơn sắc, Phạm Duy đa điệu đa sắc đến cùng cực. Trịnh Công Sơn có chỗ đứng vững chắc, Phạm Duy luôn luôn đi trong cuộc hành trình...”

Ông cũng dụng công chuyển dịch sang tiếng Anh lời bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy, đặc biệt là tổ khúc đồ sộ ‘Mẹ Việt Nam’.

Niềm đam mê của ông là cây guitar - nhạc cụ đưa ông đến với âm nhạc bằng tự học. Ông cũng sáng tác một số ca khúc và tự đệm đàn cho chính người vợ của mình, ca sĩ Lệ Mai. Hai vợ chồng ca - nhạc sĩ không chuyên đã thực hiện và xuất bản một album mang tên ‘Lệ Mai hát nhạc Phạm Duy’, gồm 10 ca khúc, với giọng hát được nhiều thính giả đánh giá là “thuần khiết”, “chân thật nhất.”

Không nhận mình là nhà ‘nghiên cứu âm nhạc’, thầy Tuấn tự bạch: “Âm nhạc đối với tôi như một cuộc du lịch. Hầu hết du khách đi ‘packaged tours’ (du lịch trọn gói), ngồi buýt tiện nghi đi trên đường xa lộ tới những thắng cảnh nổi tiếng, đông nghẹt du khách, và vào ‘duty free shop’ (cửa hàng miễn thuế). Tôi thì thấy những cuộc du lịch thú vị nhất là đi một mình, hay hai người, vác ba lô đi bộ vào những xóm làng, đồi núi hẻo lánh, ít người qua lại.”

Mời bạn nhấn Audio 1 thưởng thức ca khúc ‘Lá thư xanh’ do ông sáng tác; nhấn Audio 2 nghe ca khúc “’Một cành mai’ của Phạm Duy do Lệ Mai thể hiện.

Giáo dục âm nhạc và hơn thế nữa.


“Phải công nhận là nhạc Việt Nam chưa có một vai trò đáng kể trong giới thưởng nhạc quốc tế. Những nước giàu, như Úc hay các nước Âu châu chẳng hạn, họ đổ một số tiền rất lớn vào những nhạc viện, những dàn nhạc giao hưởng, những bộ môn nhạc ở đại học, và hỗ trợ các nghệ sĩ. Họ dạy nhạc trong các trường tiểu học, trung học. Đối tượng được trợ giúp và giáo dục này chủ yếu là nhạc cổ điển, hàn lâm, và, một phần nào đó, jazz - những loại nhạc ít người nghe, nhưng lại là căn bản, cội rễ của hầu hết các loại nhạc Tây phương khác.”

”Trong khi đó, nền giáo dục phổ thông của Việt Nam từ xưa đến nay hầu như không có môn nhạc.
Số người được học về nhạc quá ít. Âm nhạc của một nước muốn tiến bộ thì người dân thường phải có khả năng nghe nhạc tiến bộ. Nếu chỉ chú trọng đào luyện nhạc sĩ, nhạc công giỏi thì cũng chẳng khác nào huấn luyện phi hành gia cho một nước chậm tiến. Vì vậy tuy người Việt có những nhạc sĩ giỏi, làm những bản nhạc mới lạ, nhưng tác phẩm của họ ít được biết đến. Theo tôi, chừng nào nhạc trở thành một môn học ở trình độ trung học, học sinh được học thưởng thức nhạc cổ truyền dân tộc cũng như nhạc Tây phương, thì trình độ âm nhạc của cả nước mới tiến lên được.”

“Tuy nhiên, lý do không hoàn toàn ở tiền bạc hay giáo dục. Jamaica là một nước nghèo, ba triệu dân, mà sao nhạc reggae của họ ảnh hưởng cả thế giới? Người Mỹ da đen, nhất là da đen ngày xưa, nghèo khổ, thất học mà sao nhạc jazz của họ cũng trở thành bảo vật của nhân loại? Indonesia cũng nghèo mà nhạc gamelan của họ nổi tiếng thế giới? Giáo sư Trần Quang Hải nổi tiếng thế giới, nhưng không phải nhờ nhạc cổ truyền Việt Nam (dù đó là nghề gia truyền của ông) mà nhờ nhạc Mông Cổ! Vậy trong con người hay văn hóa chúng ta có vấn đề gì chăng nên khó hòa nhập hay cống hiến vào văn hóa thế giới? Câu hỏi này hơi nhạy cảm và tôi cũng chưa tìm được câu trả lời!”

Hãy học cảm thụ nhiều loại nhạc.


“Hầu hết người Việt hải ngoại khi nói về ‘nhạc’ là họ nghĩ tới dòng nhạc thương mại. Tuy nhiên, còn có các dòng nhạc khác như: nhạc Việt theo khuynh hướng cổ điển Tây phương (ban Ngàn Khơi ở Mỹ), nhạc Việt cổ truyền (các nhạc sĩ và nhà giáo dục như Trần Quang Hải ở Pháp, Nguyễn Thuyết Phong ở Mỹ, hoặc các nghệ sĩ cải lương ở hải ngoại), nhạc Việt theo khuynh hướng jazz (như Nguyen Le ở Pháp, Dạ Lam ở Đức), nhạc ‘đương đại’ (như Hoàng Ngọc Tuấn, Lê Tuấn Hùng ở Úc). Phải nói là quần chúng ít người biết về những dòng nhạc phi thương mại hay hàn lâm này.”

Khó mà nói thế nào là đủ hay chưa đủ. Nếu chỉ có Thúy Nga Paris hay Asia thôi thì cũng gọi là đủ được, nhưng nếu có thêm nhiều sản phẩm khác từ trong hay ngoài nước nữa thì nhu cầu sẽ tự động tăng thêm. Ở Mỹ người Việt có tự do muốn nghe nhạc nào thì nghe, ca sĩ từ Việt Nam qua trình diễn khá nhiều, nhu cầu chắc là thỏa mãn đủ. Ở Úc thì những người có quan điểm chính trị quá khích dựng lên những rào cản, dùng biện pháp biểu tình quấy rối để ngăn chặn sự giao lưu âm nhạc, kể cả những giao lưu không chính thức, cái đó cũng gây nhiều thiệt thòi cho đa số thính giả Việt ở Úc.”

Âm nhạc là một hoạt động tinh thần rất thích thú, và sự thích thú càng tăng nếu óc cảm thụ càng rộng mở, nghe được nhiều loại âm nhạc. Vì vậy chúng ta nên tìm nghe và tập nghe nhiều loại nhạc khác nhau, nhất là lúc trẻ khi khả năng cảm thụ những cái mới còn tốt. Nên nghe nhạc cổ điển Tây phương, nhạc jazz, nhạc truyền thống Việt Nam, New Age, đương đại…, chứ không chỉ nghe nhạc phổ thông Việt Nam hay ‘pop’ Tây phương mà thôi.”

Mời bạn nhấn nút Audio 3 để nghe thêm những lời thầy Phạm Quang Tuấn chia sẻ về bản thân và âm nhạc.

Anh Đức