Chat với luật Sở Hữu Trí Tuệ
Phạm Quang Tuấn

Đăng lần đầu trên tiền vệ 27/12/2006


Gần đây, giới nhạc Việt Nam sôi nổi vì chuyện ông Cù Huy Hà Vũ tố cáo nhạc sĩ Dương Thụ và ca sĩ Mỹ Linh đã làm trái luật sở hữu trí tuệ, xâm phạm bản quyền khi ra đĩa "Chat với Mozart" với những bản nhạc cổ điển (của Mozart và nhiều nhạc sĩ khác) do Dương Thụ phổ lời Việt. Ông Cù Huy Hà Vũ kiến nghị Sở Văn hoá Thông tin Hà nội thu hồi CD này và cấm show của Mỹ Linh, làm cho cô ca sĩ này xính vính (tuy cuối cùng cũng được "thông cảm"). Tôi xin tóm tắt chuyện này và "tạp ghi" vài ý nghĩ lan man chung quanh câu chuyện.

 

Chat với Mozart

Cuộc tranh luận về khía cạnh luật pháp trên trang web Giai điệu xanh hào hứng như một trận túc cầu. Một bên, đội Khởi tố, chủ yếu là ông Cù Huy Hà Vũ, con thi sĩ Huy Cận, hoạ sĩ, tiến sĩ Luật, đã du học Pháp, đơn thương độc mã, tả xung hữu đột ở mọi vị trí từ thủ môn lên tiền đạo, với sự cổ võ của nhạc sĩ Phó Đức Phương, giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam. Bên kia, đội Bào chữa, có sự cổ võ nồng nhiệt từ nhiều văn nghệ sĩ như nhạc sĩ Tuấn Khanh, thi sĩ Đỗ Trung Quân, nhưng tranh luận về mặt luật pháp thì chủ yếu là ông Phạm Thành Nhân. Dĩ nhiên, trận bóng đá nào cũng có những tình tiết ngoài lề, những cú ngáng chân, nắm áo, nằm vạ, dùng tay ỉnh bóng như Maradona, chọc tức đối thủ à la Materazzi, húc đầu kiểu Zidane, v.v., nhưng vì là một trận bóng không trọng tài nên chẳng ai bị thẻ vàng thẻ đỏ cả. Tôi xin bỏ qua những chi tiết hấp dẫn đó để tập trung vào mạch tranh luận chính cho đỡ tốn thì giờ.

Vì ông Cù Huy Hà Vũ ra chân trước, khi đối thủ bất ngờ chưa kịp chuẩn bị, nên kể như đội Khởi tố dẫn trước 1-0.

Đội Bào chữa phản ứng mạnh mẽ, chỉ ra rằng Công ước Berne (xin gọi tắt là Berne) cũng như Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (xin gọi tắt là luật VN) chỉ bảo vệ bản quyền tác giả cho tới 50 năm sau ngày người đó chết mà thôi ("The term of protection granted by this Convention shall be the life of the author and fifty years after his death" - Berne, điều 7). Các tác giả những bản nhạc trong Chat đã chết cả mấy trăm năm, vậy rõ ràng là nhạc của họ không còn bản quyền gì nữa mà đã rơi vào lãnh vực công cộng (fallen into the public domain), trở thành của cải chung của nhân loại - trong bài này xin gọi là "hết bản quyền" cho gọn. Đội Bào chữa dẫn 2-1.

Tuy nhiên, ngoài bản quyền kinh tế (luật VN gọi là quyền tài sản), Berne còn định nghĩa một cái gọi là "quyền tinh thần" (moral right), luật VN gọi là quyền nhân thân. Ở điều 6bis, Berne viết: "the author shall have the right to claim authorship of the work and to object to any distortion, mutilation or other modification of, or other derogatory action in relation to, the said work, which would be prejudicial to his honor or reputation." Luật VN cũng viết: "Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây: 1. Đặt tên cho tác phẩm; 2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; 3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; 4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả."

Quyền tinh thần này Berne cũng chỉ cho hạn thời gian bằng bản quyền kinh tế, tức là 50 năm sau ngày tác giả chết: "The rights granted to the author in accordance with the preceding paragraph shall, after his death, be maintained, at least until the expiry of the economic rights". Tuy nhiên, Berne cho phép mỗi nước thành viên bảo vệ bản quyền (cả kinh tế lẫn tinh thần) lâu dài hơn nếu muốn: "The countries of the Union may grant a term of protection in excess of those provided by the preceding paragraphs" (điều 7).

Đến đây thì ta đụng một cái "xương cá" khổng lồ trong luật VN: "Quyền nhân thân được bảo hộ vô thời hạn" (Luật VN, điều 27, khoản 1). Vậy là theo luật VN quyền nhân thân phải được tôn trọng cho tới ngày tận thế. Không một người Việt Nam nào được sửa đổi phóng tác, cải biên tác phẩm của những tác giả đã chết, dù tất cả các nghệ sĩ khác trên thế giới tha hồ làm vậy. Một là các nhà làm luật VN bảo hoàng hơn vua và tôn thờ Mozart hơn cả người Áo (điều đó cũng không có gì ngạc nhiên, vì người Việt chúng ta xưa nay luôn luôn tôn thờ những ông Tây ông Tàu), hai là họ cho rằng nghệ sĩ An Nam ta kém cỏi hơn nghệ sĩ ở tất cả các nước khác nên không thể để nghệ sĩ ta đụng tới nhạc cổ điển Âu châu! Dù sao đi nữa, thì đội Khởi tố dẫn 3-2.

Đội Bào chữa nói rằng Berne nói rõ là bản quyền một tác phẩm phải được bảo vệ theo luật lệ của nước gốc của tác phẩm đó: "Thời hạn bảo hộ bản quyền phải tuỳ theo luật pháp của nơi đang xảy ra việc đòi bảo hộ. Tuy nhiên, nếu luật pháp của nước đó không có những quy định khác thì thời hạn bảo hộ sẽ không quá thời hạn được quy định ở quốc gia gốc của tác phẩm" (the term shall be governed by the legislation of the country where protection is claimed; however, unless the legislation of that country otherwise provides, the term shall not exceed the term fixed in the country of origin of the work - Berne, điều 7 khoản 8). Những bản nhạc mà Dương Thụ ráp lời chắc chắn không phải là gốc Việt Nam, và do đó không thể áp dụng luật quyền nhân thân vô thời hạn của VN.

Tuy nhiên, khoản này của Berne cũng mù mờ: nó chỉ áp dụng khi "luật pháp của nước đó (trường hợp này là Việt Nam) không có những quy định khác". Việt Nam đã có một quy định khác Berne về quyền nhân thân, vậy còn áp dụng điều 7 khoản 8 trên đây của Berne nữa không? Hai bên huề điểm 3-3.

Đội Bào chữa phản biện tiếp: ngay luật VN có minh xác "trong trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác với quy định của Luật [VN] này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó" (khoản 3, điều 5). Tức là, vì có sự khác biệt giữa luật VN (quyền nhân thân được bảo hộ vô thời hạn) và Berne (quyền tinh thần được bảo hộ cho tới 50 năm sau ngày tác giả chết), ta phải theo Berne và gạt bỏ luật VN. Đội Bào chữa dẫn lại 4-3.

Đội Khởi tố trả lời: Berne cho phép mỗi nước thành viên bảo hộ quyền tác giả lâu dài hơn là Berne (tức là hơn 50 năm), nếu muốn. Vậy việc luật VN bảo hộ quyền tinh thần vô thời hạn không có gì là trái Berne cả! Do đó ta phải theo luật VN, không được đụng tới tác phẩm của những người đã chết. Khởi tố dẫn 5-4.

Đội Bào chữa phản biện: Luật VN nói rõ là nó áp dụng cho những tác phẩm chưa mãn hạn bản quyền lúc mà luật đó bắt đầu thi hành, ngày 1/7/2006 (và dĩ nhiên, cho những tác phẩm ra đời sau ngày đó) (điều 220). Tức là nếu một tác phẩm đã hết bản quyền trước ngày 1/7/2006 thì luật SHTTVN không áp dụng cho tác phẩm đó. Và rõ ràng là những bản nhạc cổ điển trong Chat đã mãn hạn bản quyền trước ngày đó. Bào chữa dẫn lại 6-5.

Đó là tỷ số trận đá bóng luật pháp cho đến thời điểm này.

 

Chat với nhạc không lời

Mặc dù khăng khăng rằng việc lời của Dương Thụ hay hay dở không phải là vấn đề, nhưng có thể nhận xét là phe "Khởi tố" dường như có một sự tôn thờ quá đáng với "nhạc không lời". Cù Huy Hà Vũ nói: "Tác phẩm âm nhạc có hai loại: có lời và không lời. Đặt lời cho một tác phẩm không lời là làm cho nó không còn nguyên vẹn như ban đầu." Nhạc sĩ Phó Đức Phương say sưa hơn: "Cá nhân tôi thì cho rằng không nên đặt lời cho tác phẩm không lời, vì đã sinh ra nhạc không lời, có nghĩa là tác giả đã thấy rằng bản nhạc đó không nên để lời. Tác giả cũng đã xác định 1 phương thức nghệ thuật là dùng nhạc không lời để miêu tả những xúc cảm trong tâm hồn mình. Nhạc không lời có sức mạnh riêng của nó, nó mở ra một thế giới tưởng tượng bao la cho người nghe. Mỗi người bằng trải nghiệm riêng, cá tính riêng, tình cảm riêng, tâm hồn riêng hình dung ra muôn vàn hình ảnh khác nhau. Đặt lời cho nhạc không lời vô hình chung thu hẹp sự tưởng tượng của người nghe, giống như bị khuôn lại, lập hàng rào cho trí tưởng tượng. Tôi cho rằng như thế sẽ không hay, bởi những nét nhạc không lời là sự sáng tạo có một đường truyền và cách cảm thụ riêng, tạo ra một trường tâm tưởng rất khác biệt."

Đọc phát biểu của Phó Đức Phương, ta cảm thấy một sự sùng kính gì đó rất sâu xa với nhạc không lời, kiểu như một nhà nho ngày xưa sùng kính sách thánh hiền. Có lẽ điều này phản ảnh thành kiến thông thường ở Việt Nam rằng nhạc không lời "cao siêu" hơn ca khúc. Cũng dễ hiểu vì phần lớn người viết ca khúc ở Việt Nam không học nhạc quy củ và không có khả năng viết khí nhạc, nên khí nhạc được coi là một cái gì rất thần kỳ, ghê gớm, còn ca khúc thì hơi có vẻ dân dã!

Thực ra, những phàn nàn của Cù Huy Hà Vũ và Phó Đức Phương hơi "trật đường rầy"! Một người quen nghe nhạc cổ điển chắc chắn sẽ thấy những bản nhạc cải biên trong Chat dở hơn nguyên tác, không phải vì có lời thêm vào, mà vì những thay đổi về hoà âm phối khí. Không như ca khúc phổ thông Việt Nam, một bản nhạc cổ điển không phải chỉ có giai điệu (melody) mà là tổng thể của giai điệu, hoà âm, tiết tấu, âm sắc và cấu trúc. Sửa đổi bất cứ khía cạnh nào cũng là thay đổi nội dung của nó và nếu đụng tới một tác phẩm nổi tiếng thì gần như luôn luôn làm cho nó dở đi. Đáng lẽ hai ông nên phàn nàn về những chuyện này thì có lý hơn!

Còn bảo rằng "sinh ra nhạc không lời, có nghĩa là tác giả đã thấy rằng bản nhạc đó không nên để lời" thì hơi quá thần thánh hoá nhạc sĩ. Nhạc sĩ viết nhạc không lời thường vì nhiều lý do thực tế. Lý do thứ nhất là nhạc có nhiều thể loại định sẵn, viết cho nhiều loại ensembles: ca khúc, solo, song tấu, tam tấu, tứ tấu, giàn nhạc thính phòng, giao hưởng, v.v., khi thấy loại nào thích hợp hay có nhu cầu viết cho loại nào thì nhạc sĩ viết loại đó. Hai là có những loại nhạc không có giai điệu rõ ràng hay thích hợp để mà ráp lời vào được, như một số những bản prelude, study cho piano, nhạc đương đại không có giai điệu, hoặc những điệu nhạc quá nhanh hay âm vực quá rộng không thể hát được. Ba là khi bản nhạc được viết để phục vụ một mục tiêu cụ thể như cho diễn hành, nhảy múa, đốt pháo hoa, v.v. thì không cần có lời, viết lời chỉ tốn thì giờ. Viết để luyện ngón tay hay phô trương khả năng một nhạc khí nào đó, hay để khai phá một kỹ thuật chuyên môn (như Bach khi viết Preludes and Fugues) thì dĩ nhiên không cần viết lời. Nhạc đệm kịch hay nhạc phim thường cũng không có lời vì sẽ chia trí khán giả.

Còn một lý do nữa rất quan trọng là tác giả nhạc không lời hầu hết chỉ chuyên về tác khúc chứ không về viết ca từ, viết lời đối với họ là cả một sự khó khăn, trong khi khai triển một motif nhạc là chuyện có thể làm nhanh chóng. Hầu hết các nhạc sĩ nổi tiếng, ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt như Wagner, đều dùng lời thơ của người khác hay để phần lời cho một nhà viết ca từ (librettist, lyricist) chuyên môn. Người nghệ sĩ cũng là một chuyên gia. Một thi sĩ làm một bài thơ thay vì viết thành ca khúc, không phải vì họ nghĩ rằng có điệu nhạc vào sẽ làm hỏng bài thơ, mà vì họ không biết làm nhạc nên họ tập trung vào diễn tả bằng lời. Hiếm thấy thi sĩ nào phản đối việc thơ mình được phổ thành ca khúc! Có chăng thì cũng chỉ vì nhạc sĩ ... quên đề tên người đặt lời hay quên trả tiền bản quyền xứng đáng.

Không có lý do nghệ thuật nào ngăn cấm việc lấy một giai điệu để làm thành ca khúc nếu có thể làm được, vì ca khúc là một tác phẩm mới với nội dung ý nghĩa mới. Thậm chí Gounod còn mượn bản Prelude số 1 của Bach làm nhạc đệm và dựng cả giai điệu và ca từ bài Ave Maria (có trong đĩa Chat) trên nền nhạc đệm đó.

Như Phó Đức Phương nói, một điệu nhạc không lời có thể cảm bằng nhiều cách khác nhau, nhiều hình ảnh khác nhau, tuỳ người nghe và hoàn cảnh nghe (mà cũng nhiều khi chỉ cảm hoàn toàn bằng âm thanh, hoà âm, nhịp điệu chứ không cần hình ảnh gì cả!). Nhưng đó không phải lý do để cấm một nghệ sĩ phát triển một cách cảm xúc riêng thành một bài ca để làm quà cho những người đồng cảm hay để... làm tiền!

Vậy thì thêm lời không phải là "thu hẹp" tác phẩm mà chính là mở rộng nó thêm, tạo thêm một bộ mặt mới, tiếp thêm một sinh khí mới cho tác phẩm nguyên thuỷ. Có ai cấm người ta nghe nguyên tác đâu? Trái lại, sau khi nghe Mỹ Linh ca một bản nhạc cổ điển - lời Dương Thụ, người thính giả bình dân sẽ dễ thưởng thức bản khí nhạc nguyên thuỷ hơn nếu họ có dịp nghe.

Điều lạ là không bao giờ thấy nhạc sĩ Việt Nam nào phản đối việc cắt bỏ lời, lấy giai điệu để phổ thành một bản nhạc hoà tấu hay khí nhạc, mặc dù chuyện này xảy ra thường ngày, và hiển nhiên là có ảnh hưởng tới cách hiểu tác phẩm. Họ không bao giờ nói "tác phẩm âm nhạc có hai loại: có lời và không lời. Bỏ lời của một tác phẩm có lời là làm cho nó không còn nguyên vẹn như ban đầu" hoặc "không nên bỏ lời của tác phẩm có lời, vì đã sinh ra nhạc có lời, có nghĩa là tác giả đã thấy rằng bản nhạc đó nên để lời". Trái lại, nhiều người còn nói rằng khi một ca khúc được soạn lại cho nhạc khí thì nó có vẻ... cao siêu hơn!

 

Trở lại luật SHTT

Dù ông Cù Huy Hà Vũ đúng hay sai trong vụ "Chat với Mozart", điều khoản "Quyền nhân thân được bảo hộ vô thời hạn" trong luật VN là một điều luật thật là kinh khủng! Nó có nghĩa là từ nay, không một người Việt Nam nào có quyền phóng tác, sửa đổi hay chuyển dịch một tác phẩm của một tác giả đã chết quá 50 năm, dù là tác giả ngoại quốc hay Việt Nam, vì đâu còn ai cho phép được nữa! Sẽ không bao giờ có một phóng tác như Đoạn trường tân thanh trong văn học. Sẽ không bao giờ có một bản Vọng Cổ do các nhạc sĩ khai triển từ Dạ cổ hoài lang. 100 năm nữa, nếu có một nhạc sĩ muốn phổ một bản nhạc Văn Cao hay Phạm Duy cho dàn nhạc giao hưởng hay jazz cũng không được, vì làm lời cho nhạc không lời còn bị cấm, huống chi bỏ lời của một ca khúc? Rồi còn chuyện phổ thơ thành ca khúc, phổ truyện thành kịch hay phim, truyện ngắn thành truyện dài, v.v. cũng cấm hết. Các tác giả nằm trong mộ mà biết được người ta "tôn trọng" mình đến thế, chắc cũng dở khóc dở cười!

Ngoài ra, vì Berne cũng nói rằng bản quyền của một tác phẩm phải áp dụng theo luật của nước gốc của tác phẩm đó, sẽ không có một tác giả ngoại quốc nào được phóng tác nhạc của Trịnh Công Sơn hay dịch bất cứ tác phẩm của văn nghệ sĩ VN nào khác ra tiếng nước ngoài (ngay cả sau khi tác giả đã chết năm chục năm). Giả sử một nhà nghiên cứu nào khám phá ra một tác phẩm Việt Nam tầm cỡ thế giới và muốn chuyển dịch sang tiếng Anh, Pháp hay Nhật cũng không được! Sự giao lưu nghệ thuật của Việt Nam với thế giới bên ngoài sẽ cắt đứt và nghệ thuật Việt Nam sẽ mãi mãi ở trong "ao ta". Hay như Lê Hoàng viết: "Việc không cho phép thế giới sử dụng tác phẩm của ta, hoặc ngược lại, không sử dụng kho tàng của nhân loại đã và sẽ đưa ta vào cảnh mù loà khi không tiếp nhận kho tàng của nhân loại và cũng không đưa được văn hoá Việt Nam đi khắp năm châu." [Bấm vào link này để xem toàn bài]

Trong nghệ thuật, sự bắt chước và phóng tác là một trong những lối phát triển chính (xin xem vài ví dụ về Mozart ở phụ lục). Hầu hết những tác phẩm lớn của nhân loại đều có vay mượn, phóng tác. Chỉ nói riêng trong âm nhạc, thơ được phổ thành ca khúc, giai điệu được soạn thành nhạc hoà tấu, lời được đặt thêm cho nhạc, dân ca được cải biên là những chuyện rất thường và đã cho ta nhiều tác phẩm vĩ đại. Handel là một nhạc sĩ nổi tiếng đã "mượn" nhiều điệu của nhạc sĩ khác. Trong văn chương, người Việt ai cũng biết gốc gác Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du là từ Truyện Thúy Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân. Le Cid của Corneille phóng tác từ Mocedades del Cid của Guillem de Castro. Romeo and Juliet của Shakespeare dựa lên The Tragicall History of Romeus and Juliet của Arthur Brooke, tác phẩm này dựa lên Giuletta e Romeo của Matteo Bandello, từ Giulietta e Romeo của Luigi da Porto, từ Siena của Masuccio Salernitano, v.v. thì...

Thực ra cũng còn một khoản làm cho điều luật về quyền nhân thân của luật VN đỡ ngặt, là chỉ cấm những thay đổi nào "gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả". Tuy nhiên biết thế nào là gây phương hại hay không? Chẳng lẽ làm gì cũng sợ phải ra toà để chứng minh rằng không phương hại? Thực tế thì, quyền xét xử chắc chắn sẽ rơi vào tay những nhân viên của sở Văn Hoá Thông Tin, một nhóm người chưa bao giờ làm nên tác phẩm gì ra hồn, nhưng thích ậm ọe ra oai với văn nghệ sĩ, kiểm duyệt, cắt xén, sửa đổi tác phẩm của người làm công việc sáng tạo, vì những lý do hết sức vu vơ - tức là chuyên làm những việc trái hẳn mục tiêu của Berne và luật SHTT (nhạc sĩ Tuấn Khanh gọi cách kiểm duyệt của họ là "hết sức vô lương tâm và vô văn hoá"). Đọc điều luật này, khó mà không nghĩ rằng những vị "công an văn hoá" đó đã tham gia vào việc viết đạo luật.

Trong khi luật Việt Nam làm vậy thì các nước văn minh đặt tất cả các tác phẩm nghệ thuật đã mãn bản quyền của họ vào lãnh vực công cộng, để cho công chúng tự do thưởng thức và nghệ sĩ trên thế giới tuỳ nghi sử dụng, chuyển dịch, dùng làm nguyên liệu cho những sáng tác mới. Đó không phải là do lòng tốt mà chỉ là một hình thức rất hữu hiệu để quảng cáo cho nước họ, để truyền bá văn hoá và gây ảnh hưởng trên thế giới. Nếu biết một ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam đang đem nhạc nước họ với lời Việt tới cho cả triệu người Việt, chắc các chính phủ Âu châu sẽ mừng rỡ và có thể gắn cho cô một huy chương!

Trong một nước pháp trị, khi luật mà ngu như lừa thì phải thay đổi nó chứ không thể để đó rồi sử dụng tuỳ tiện. Có thể là ông Cù Huy Hà Vũ, một tiến sĩ luật, đã thấy được điểm này và đem Chat ra làm một vụ thử nghiệm (test case), nói cách khác là "đặt vấn đề" (make a point) về điều luật ngớ ngẩn này trước công chúng và quốc hội chăng? Nếu vậy thì chúc ông thành công!

 

PHỤ LỤC

Trong khi viết bài này, tôi nhờ Hoàng Ngọc-Tuấn tìm giùm vài bản nhạc trên thế giới đã vay mượn nhạc của Mozart để làm thí dụ. Anh cho tôi một danh sách (chưa đầy đủ), và còn ghi thêm: "Còn vô số các nhạc sĩ trên thế giới đã vay nhạc của Mozart nhưng không ghi vào nhan đề bản nhạc".
 
Một số nhạc sĩ nổi tiếng ở thế kỷ 18 và 19 đã vay nhạc của Mozart:

Friedrich Kunzen (1761-1817, Đức), Overture on a Theme by Mozart.
Ludwig Van Beethoven (1770-1827, Đức), Seven Variations on a theme from The Magic Flute, Op. 46 ; Twelve Variations on a theme from “The Magic Flute”, Op. 66.
Fernando Sor (1778-1839, Tây-ban-nha), Introduction and Variations on a Theme from “The Magic Flute” by Mozart.
Mikhail Glinka (1804–1857, Nga), Variations on a Theme by Mozart.
Frédéric Chopin (1810-1849, Ba-lan) Variations in B-flat on Mozart's “Là ci darem la mano”, Op. 2, B. 22.
 
Một số nhạc sĩ nổi tiếng ở thế kỷ 20 đã vay nhạc của Mozart, năm sáng tác được ghi trong ngoặc vuông [...]:

Max Reger (1873-1916, Đức), Variations and Fugue on a Theme by Mozart, opus 152 [1914].
Hans Gal (1890-1987, Áo), Introduction Variations and Finale on a theme of Mozart.
Nino Rota (1911-1979, Ý) Fantasia sopra 12-note de "Don Giovanni" [de Mozart] [1971].
Gottfried von Einem (1918-1996, Áo) Variations for 8 Instruments on a Theme from Mozart's “Don Giovanni” (Steinbeis-Serenade), Op. 61.
Roman Vlad (1919~, Rumania) Variazioni concertanti (on a 12-note theme from Mozart's "Don Giovanni" [1955].
Jacques Leduc (1932~, Pháp), Fantaisie sur un thème de Mozart, Op.73 [1990].
Peter Nero (1934~, Mỹ), Variations on "I Got Rhythm" (after Gershwin, Rachmaninoff, Beethoven, Mozart, Liszt, and Prokofiev); The Yellow Rose of Texas (after traditional and Mozart).
Jack Behrens (1935~, Mỹ) Fantasia on a Mozart Fragment [1990].
Miro Belamaric (1935~, Croatia) How to Kill Mozart, in the Form of Variations, Op. 8 [1968].
William Thomas McKinley (1938~, Mỹ) Mostly Mozart [1999].
Jim Mahaffey (1939~, Mỹ), Reflections on a Theme by Mozart [1997].
David Cope (1941~, Mỹ) Concerto (after Mozart) [1995].
Leonid Chizhik (1947~, Nga), Fantasy Variations on a Theme by Mozart for piano, strings & percussion.
Aditya Prasad Mathur (1948~, Ấn Độ), Variations on a Theme by Mozart (for two Sitars and improvised Tabla) [1998].
Glenn Buhr (1954~, Canada), Minuet and Trio with Doubles on a Theme by Mozart [1991].
Lowell Liebermann (1961~, Mỹ), Variations on a Theme of Mozart for Two Pianos, op.42 [1993].
Fabio Valenza (?, Ý), Concerto in E-flat (In the Style of Mozart).

 

Go to main music page