QUÁ TRÌNH PHỔ NHẠC MỘT BÀI THƠ

Phạm Quang Tuấn
(đọc trước Nhóm Yêu Nhạc Sydney 1999)

Trong bài này có nhiều điểm đi ngược lại các nguyên tắc thông thường của kỹ thuật viết ca khúc. Nhạc lý căn bản dạy viết làm sao cho vừa với lỗ tai của đa số thính giả tây phương hoặc tây-hoá: phải (hay nên) có bố cục (form) khuôn mẫu, câu nhạc cân phương, tiến trình hòa âm quen thuộc, tránh những quãng (intervals) được cho là trái tai, về chủ âm và perfect cadence hay ít ra là imperfect cadence ở cuối đoạn, v.v. Ngay cả những nhạc sĩ viết ca khúc theo trực giác, không học lý thuyết cũng tuân theo những nguyên tắc này, dù nhiều khi không biết là mình làm vậy, vì họ đã thấm nhuần chúng một cách vô thức (unconsciously) sau khi nghe nhạc phổ thông từ nhỏ (cũng như rất nhiều người làm thơ mà không hề học đến những nguyên tắc của luật bằng trắc, quy luật lục bát, thơ tám chữ, thơ Đường, v.v. do sự thấm nhuần các quy luật vào vô thức). Dĩ nhiên, nếu tuân thủ các quy tắc thông thường thì ta sẽ làm nhạc nhanh chóng và dễ nghe hơn!


Trước hết xin nhấn mạnh rằng chủ đề bài này không phải là "làm thế nào để phổ nhạc một bài thơ", mà là "quá trình phổ nhạc một bài thơ", tức là kể lại và nhấn mạnh những cái lần mò, quờ quạng trong khi làm một bản nhạc. Dĩ nhiên mỗi người có một cách làm nhạc khác nhau và mỗi bài có một quá trình khác nhau, nên không thể tổng quát hóa được, hy vọng những người viết nhạc khác tại đây cũng sẽ cho ý kiến để chúng ta bàn luận. Bản nhạc mà tôi sẽ nói tới là bài Dạ Khúc (thơ Thanh Tâm Tuyền).

Dạ Khúc

Anh sợ những cột đèn đổ xuống
Rồi dây điện cuốn lấy chúng ta
Bóp chết mọi hy vọng
Nên anh dìu em đi xa

Ði đi chúng ta đến công viên
Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối
Ôi môi em như mật đắng
Như móng sắc thương đau
Ði đi anh đưa em vào quán rượu
Có một chút Paris
Ðể anh được làm thi sĩ
Hay nửa đêm Hà Nội
Anh là thằng điên khùng
Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới
Chiếc kèn hát mãi than van
Ðiệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng
Sao tuổi trẻ quá buồn
như con mắt giận dữ
Sao tuổi trẻ quá buồn
như bàn ghế không bầy

Thôi em hãy đứng dậy
người bán hàng đã ngủ sau quầy
anh đưa em đi trốn
những dày vò ngày mai


CẢM HỨNG

Nguồn cảm hứng làm bài này là bài nghị luận về "Thơ Jazz" của Hoàng Ngọc-Tuấn trong đó anh nói về vẻ jazz trong thơ, đặc biệt là thơ Thanh Tâm Tuyền. Ngồi trên xe lửa khi đi làm về, tôi đọc những câu thơ TTT mà HNT viết lại, ngân nga theo kiểu jazz và cảm thấy... jazz thật! Sau đó tôi đi tìm đọc những bài thơ khác của TTT và chọn bài Dạ Khúc mà trước đó Phạm Ðình Chương đã phổ nhạc (nhưng tôi không biết bản này cho đến gần đây). Ý tưởng làm bản nhạc lởn vởn vài tháng, trộn với ý tứ về những bản nhạc khác, mỗi tối khi ngồi trên xe lửa về nhà (xe lửa đi làm thì còn phải dùng để đọc báo chí và báo cáo) mà không ngủ gật vì quá mệt mỏi.

Bài thơ của TTT là một bài lạ và phản quy ước về cả âm điệu lẫn ý tưởng, với những câu trúc trắc, khó nghe, đầy vần trắc, và những hình ảnh không "đẹp" chút nào:

... Những cột đèn đổ xuống
Và dây điện cuốn lấy chúng ta
Bóp nghẹt mọi hy vọng...

và theo đó ý định về những nét chính của nhạc thành hình trong đầu:

1. Phải có âm điệu jazz/blues, với những bán cung (semitone), những tiết tấu (rhythms) phóng khoáng, những nhịp chỏi (syncopations) và nhiều chuyển giọng (modulations)
2. Phải diễn tả sự băn khoăn, khắc khoải trong bài thơ qua âm điệu
3. Phải gột bỏ những ước lệ của ca khúc tân nhạc VN để lột được tinh thần của thơ tự do.

Tôi muốn rằng âm điệu trúc trắc của bài thơ cũng phải được dịch ra bằng một điệu nhạc trúc trắc, không ước lệ. Một quyết định sớm của tôi là phải tránh một tiết tấu đều đặn, dùng nhiều modulations (chuyển giọng) và tránh về chủ âm thường xuyên. Cuối cùng, bài này không về chủ âm lần nào cả, ngay cả khi kết thúc.


DỰNG DÀN

Khi làm một bài nhạc, tôi luôn luôn tìm một cái melodic contour tức là cái dáng lớn (sự lên xuống) của nhạc điệu, để tránh sự lên xuống lung tung theo dấu mà ta thấy trong nhiều ca khúc VN. Cái contour này có thể không định sẵn từ đầu, nhưng trong óc tôi luôn luôn rình rập tìm một contour thích hợp trong khi khai triển điệu nhạc. Với một bài thơ thì có thể có những điểm cao và thấp rõ rệt mà ta có thể tựa vào như những cái đinh để vẽ cái contour còn lại. Chẳng hạn

...Bóp chết mọi hy vọng

tôi thấy từ khá sớm là một điểm phải xuống thật thấp, không những vì dấu nặng, mà còn vì ý "bóp chết hy vọng". Tương tự,

...Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới

tôi thấy ngay là một điểm cần vút lên cao không những vì hai dấu sắc cuối câu, mà còn vì nó là một câu dài, dồn dập và say đắm nhất trong bài.

...Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối

cũng có thể làm cao điểm, nhưng nó tới hơi quá sớm trong bài thơ. Có lẽ đắm đuối thì phải tạo ra một sự khoái lạc.

Chiếc kèn hát mãi than van
Ðiệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng

là hai câu rất quan trọng vì nhạc tính của nó, và do đó cũng cần nhấn mạnh nhạc tính đó một cách nào đó. Và

Ôi môi em như mật đắng
Như móng sắc thương đau

cũng có một kịch tính cần được nhấn mạnh bằng điệu nhạc, nhất là ở chữ "thương đau". (Trong bản phổ "Dạ Tâm Khúc" của Phạm Ðình Chương thì ông về chủ âm ở chỗ này một cách rất hài hòa.)

Ðó là những ý chính trong bài, tuy nhiên không phải là tôi nghĩ ra tất cả những ý đó rồi mới bắt đầu viết bản nhạc. Sự thực thì điệu nhạc và những ý chính có thể nói là phát triển song song, nhưng những ý đó xuất hiện khá sớm trong quá trình viết bản nhạc và ảnh hưởng nhiều lên phần còn lại của bản nhạc.


BỐ CỤC

Bây giờ nói đến form của bản nhạc, tức là kết cấu hay cách chia đoạn của nó. Nhạc VN thường hay theo kết cấu ABA. Bài thơ của TTT có thể chia làm ba đoạn, đoạn đầu 4 câu:

Anh sợ những cột đèn đổ xuống
Rồi dây điện cuốn lấy chúng ta
Bóp chết mọi hy vọng
Nên anh dìu em đi xa

Ðoạn giữa khá dài (16 câu) thì dùng một hình thể tự do phóng túng, rồi đoạn cuối có 4 câu:

Thôi em hãy đứng dậy
người bán hàng đã ngủ sau quầy
anh đưa em đi trốn
những dày vò ngày mai

tuy nhiên tôi quyết định bỏ đoạn cuối vì thấy ý nó quá ước lệ, không hợp với tinh thần toàn bài (thoạt tiên tôi đã phổ nhạc đoạn đó và ghi chú là "optional laundrymaid ending" - kết thúc sến dùng hay không tùy ý - nhưng anh bạn Mai Anh Tuấn ở Canada khuyên bỏ). Tôi cảm thấy để bản nhạc kết thúc lơ lửng ở đoạn 2

Sao tuổi trẻ quá buồn
như bàn ghế không bầy...

thì thích hợp hơn. Vậy còn lại là hai đoạn 4 câu + 16 câu, một hình thức rất lỏng lẻo. Một nhạc sĩ tự tin hơn có thể sẵn sàng làm nguyên bản nhạc theo hình thể lỏng lẻo đó, nhưng vì hãy còn nhiều tinh thần câu nệ hình thức nên cuối cùng tôi trở lại thể AB (nhắc lại 1 lần nên thành ABAB).


CHI TIẾT - ÐOẠN MỘT

Câu đầu

Ðến lúc ngồi viết xuống điệu nhạc thì câu đầu tiên thường là câu khó nhất. (Câu đầu tiên là câu nhạc đầu tiên mình viết ra, chứ không cứ là câu đầu tiên trong bài). Sau khi tìm được một câu hợp ý mình thì việc khai triển nó khá dễ dàng, chỉ cần dùng một số kỹ thuật có sẵn.

Câu đầu phải thích hợp với những chủ ý đã định sẵn (điệu nhạc trúc trắc, không ước lệ) và phải mang một vẻ mới lạ và mạnh mẽ nào đó để làm cho mình hăng hái khai triển. Dĩ nhiên là sự lên xuống của nó cũng phải tùy thuộc một phần nào vào dấu của lời thơ (tuy nhiên lời có thể sửa hay đảo lộn).

Trong bài này thì hai câu đầu của bài thơ:

Anh sợ những cột đèn đổ xuống
Và dây điện sẽ cuốn lấy chúng ta

vô cùng quan trọng, vì nó đưa ra một hình ảnh rất độc đáo, rất hiếm thấy trong thơ ca, và có thể nói là nó "set the tone" cho toàn bài (trong Dạ Tâm Khúc, Phạm Ðình Chương bỏ hẳn hai câu này có lẽ vì thấy hình ảnh đó không "đẹp"). Rõ ràng là hai câu này cần một giai điệu mới mẻ, mạnh, trúc trắc, dramatic.

Tôi đã thí nghiệm với vài câu như sau (nhưng số điệu chỉ nghĩ mà không ghi xuống thì hơn nhiều lắm):

Ðiệu này tôi nghĩ là mạnh (vì dùng những khoảng cách lớn), nhưng thang âm E-B quá hồn nhiên, trong sáng, giản dị. Thêm vài bán âm cho có vẻ jazz:

thì thang âm D#-E-A#-B lại có vẻ quá mềm, cliché, pseudo-jazz, rẻ tiền. Sau đó tôi thử thang âm E-F-B:

và nhận thấy rất vừa ý, có lẽ vì có tritone F-B nghe chói tai và ít thấy. Sau vài thí nghiệm nữa tôi dừng lại ở

và sau đó vài tuần thì lại đổi thành

Với 3 acciđentals trong tổng số 5 cung, trong đó có tritone F-B, tôi cho rằng điệu này vừa đủ phức tạp và mới lạ, và tuy chói tai nhưng vẫn uyển chuyển và không quá khó chịu nhờ những leading tones D#, A#. Ðiều bất ngờ là cung F làm cho chủ âm như chuyển từ E sang C (vì tritone [F,B] kéo ta về hợp âm C), nhưng vì là câu đầu nên có thể coi là bài hát đã bắt đầu ở giọng C rồi sẽ chuyển sang giọng E. Ðiều này đưa đến những hoà âm thích thú hơn.

Tuy nhiên thực ra tiến triển không logical và tuần tự như vậy! Tôi còn loằng ngoằng thí nghiệm rất nhiều ý khác xin miễn kể ra đây, thí dụ:

 

Climax

Ðến câu 3

Bóp chết mọi hy vọng

thì, như đã nói, tôi muốn có một cái gì thật kịch tính. Tôi bèn cho điệu nhạc nhảy một tritone (3 tones), từ E xuống A#. Ðây là cú nhảy khó nhất trong âm nhạc, mà có lẽ không có ca sĩ thương mại nào có thể hát được chính xác, và nghe không quen thì rất chói tai. Trong tân nhạc VN dường như không có bản nào nhảy như vậy (trừ quãng nhảy bậc IV về leading tone (VII trưởng) là một resolution khá thường). Sự thực thì từ F lên B ở câu đầu cũng là tritone, nhưng vì cung B đã được hát ngay trước đó nên không khó vào trở lại lắm. Tôi cũng đảo lộn thứ tự chữ và sửa lời câu thơ để cung A# tritone hóc búa đó trùng với chữ "nghẹt" trong bóp nghẹt (thay vì chữ "vọng" trong hy vọng):

Mọi hy vọng bị bóp nghẹt


Giải toả

Tôi cảm thấy sự trúc trắc trong suốt đoạn đầu như vậy là đã đủ và cần giải toả, và giải toả nó bằng cách đi lên một câu nhẹ và êm (tuy vẫn không về chủ âm E mà về F#):

Nên anh dìu em ... đi ... xa

Tại sao F# ở "đi xa" cho một cảm giác khoan khoái? Lúc làm nhạc thì tôi chỉ theo trực giác nhưng sau này nhìn lại mới thấy rằng cảm giác đó là do sự hoá giải về lại F# của cung "nghịch" F natural rất chướng tai đã nằm trong tiềm thức từ đầu bài. Ðến đây thì điệu nhạc trở thành:

Khai triển

Vì nhạc là một sự chuyển động, nên không thể quá giản dị, quá ngắn, quá hấp tấp. Một bức tranh chấm phá có thể thưởng thức bằng cách ngắm đi ngắm lại cả giờ, còn một bản nhạc quá ngắn (như đoạn trên) thì không, vì không thính giả nào muốn nghe đi nghe lại một bài cả giờ. Do đó phải khai triển cho dài ra, bằng cách dùng repetitions (láy) và variations (láy với thay đổi). Trong version cuối, những chữ "anh sợ" và "cuốn lấy chúng ta" được nhắc lại, và "nên anh dìu em" nhắc lại 2 hay 3 lần:

Nên anh dìu em
Nên anh dìu em
Nên anh dìu em
dìu em
đi ... xa

Ngoài ra còn phải biến đổi tiết tấu để tránh sự đều đều buồn tẻ thường thấy trong nhiều bản nhạc, nhất là nhạc VN. Trong bản này, tôi muốn có những notes ngân dài, như tiếng trumpet ngân nga rên rỉ, những nhịp chỏi thẫn thờ.

Những sự khai triển và biến đổi này có khi làm cùng với lúc nghĩ ra điệu nhạc căn bản, có khi làm một vài ngày sau đó.

CHI TIẾT - ÐOẠN 2

Câu sau chuyển từ E minor sang G major để đổi màu sắc:

Ôi môi em như mật đắng

rồi chuyển xuống một bán cung (A#) để nhấn mạnh chữ "thương đau":

Như móng sắc thương đau

Sự chuyển đổi khá dramatic này có tác dụng làm người nghe trông chờ một cái gì xảy ra, khiến tôi không thể tiếp nối bằng

Ði đi anh đưa em vào quán rượu

như trong bài thơ, nó quá phản tác dụng và gây ra anticlimax (vì ý cũng như lời quá hiền lành). Do đó tôi phải nối luôn vào climax đã định trước:

Ôi anh như thằng khùng điên
Ôm em trong tay mà nhớ em nhớ em ngày sắp tới

Chữ "nhớ em" được nhắc lại để tăng vẻ kịch tính (dramatic) và làm cho dồn dập, chứ hoàn toàn không cần thiết cho điệu nhạc.

Sau cái climax đó thì điệu nhạc bắt buộc phải rút lại, đi xuống và tắt dần ở dưới thấp:

Sao tuổi trẻ quá buồn
Sao con mắt giận hờn...

Tóm tắt thì có thể nói rằng tôi đã bắt lời thơ phải biến đổi đi theo điệu nhạc (lên xuống) và sự tiến triển của ý nhạc.


DỌN DẸP

Viết tới đó thì tôi thấy nhạc điệu gồm hai phần AB như vậy là đủ, vả lại không nên nối thêm gì nữa sau cái thê thảm của "sao con mắt giận hờn...". Tôi bèn trở lại viết thêm một lời nữa cho phần A dựa vào câu

Ði đi anh đưa em vào quán rượu
Có một chút Paris
Ðể anh được làm thi sĩ
Hay nửa đêm Hà Nội

Việc này khá dễ dàng, chỉ cần sắp xếp lời thơ lại đôi chút. Có ba chỗ điệu nhạc phải xuống thấp thì trong thơ cũng có ba chữ là "quán rượu", "được làm" và "Hà Nội". Chữ Hà Nội lại ở cuối đoạn, như điệu nhạc đòi hỏi, thật là tiện! Dùng những chỗ đó để "đóng đinh", tôi sắp xếp lại lời và độn thêm vài chữ:

Anh bỗng muốn được làm thi sĩ
Muốn trong quán rượu buồn tìm chút dáng Paris
Tìm chút dáng Paris
và anh tìm nửa đêm Hà nội...


AFTERTHOUGHTS

1. Sau khi hát thử bản nhạc, NS Hoàng Ngọc-Tuấn đề nghị nốt E mà tôi dùng ở "sẽ" trong "sẽ cuốn lấy chúng ta" lần 2 đổi thành F vì nốt F đó là cái "đinh" của giai điệu và nên được nhấn mạnh thêm (trong version cuối tôi đã theo đề nghị này). Sự căng thẳng của cung F natural và sự hoá giải (resolution) nó về cung F# ở chữ "đi xa" sau này tôi thấy là một yếu tố rất quan trọng trong giai điệu.

2. Sự sáng tạo không phải là hoàn toàn bằng suy luận, vì những tiêu chuẩn thẩm mỹ nhiều khi nằm trong tiềm thức và không được quy tắc hóa (formalised). Tuy nhiên, sau khi sáng tạo, ta cần dùng đầu óc suy luận khách quan để xem xét kỹ lại từng điểm của tác phẩm xem ta đã thiếu sót cái gì quan trọng không, và để học hỏi cho lần sau.

3. Thường đến một lúc nào đó thì giai điệu đông lại (freeze) trong óc của người làm nhạc, khó thể nào sửa đổi được, như hình ảnh một người thân. Tôi nghĩ rằng đây là một giới hạn lớn của người viết nhạc và có lẽ cũng là đặc tính của âm nhạc và nghệ thuật nói chung. Người viết nhạc mà có khả năng phá vỡ được cái xiềng xích của điệu nhạc trong đầu mình thì sẽ làm được những bản nhạc đặc sắc hơn.


Sydney, July 1999