Thêm Vài Dòng Góp Ý Về Thơ Lục Bát

Phạm Quang Tuấn
Văn Học Nghệ Thuật No.521 (6 January 2001)


Ian Bui là một nhà thơ mà tôi thích, nên tôi rất mừng khi thấy anh góp ý (VHNT 15 December 2000) với bài "Bàn Về Lục Bát và Ca Khúc VN" của tôi. Sau đây tôi xin phép được trả lời vài điểm của anh.

Ian Bui: "Định nghiã 'thơ là văn có âm điệu' thoạt tiên nghe xuôi tai, nhưng nếu nghĩ kỹ sẽ thấy không ổn tí nào. Bởi vì sao? Vì thơ chắc chắn không phải từ văn xuôi mà rạ Văn là văn. Thơ là thợ Hai cái khác nhau như cơm khác bún mặc dù cả hai đều đến từ gạo. Không những thế, văn xuôi cũng có âm điệu riêng của nó. Nhưng văn có vần điệu chưa chắc sẽ biến thành thơ!"

Hẳn là khi đọc kỹ bài này thì anh Ian hiểu rằng trong nhóm chữ "văn có âm điệu", chữ "văn" chỉ là một ý phụ, bỏ đi (hay thay bằng 1 chữ hoàn toàn trung tính như "thể loại", "loại nghệ thuật", "cái gì đó") cũng không thay đổi gì cả, vì ý chính là "có âm điệu". Sau đó tôi đem âm điệu của thơ ra phân tách chứ không đề cập đến khía cạnh "văn" nữa. Vì vậy, anh đem chữ "văn" ra phân tách để ráng chứng minh rằng thơ không phải là văn thì thật là vô bổ! Tôi chưa nói rằng đúng hay sai vì hoàn toàn không cần thiết phải đi vào chuyện đó.

Ian Bui: "Nhà thơ không phải là người đi làm công việc nghiên cứu hay phân tích về âm điệu, niêm luật hay hậu quả của niêm luật khi làm thơ. Công việc đó đã được trời dành cho các nhà không-làm-thơ (Dĩ nhiên thỉnh thoảng cũng có những thi sĩ kiêm nghiên cứu gia hoặc kiêm giáo sư giảng dạy, nhưng ít ai đội hai chiếc mũ cùng một lúc khi làm thơ)"

Người được trời dành cho làm thơ mà không phân tích về âm điệu, cũng như người được trời dành cho làm nhạc mà không phân tích về hoà âm, giai điệu, thang âm điệu thức, tiết tấu, cấu trúc hình thể thì sẽ không tiến bộ và uổng phí lòng tốt của trời.

Tôi dùng chữ "phân tích" chứ không dùng chữ "nghiên cứu" mà anh Ian đã dùng. Phân tích là một việc làm thường xuyên và nhiều khi tự động của con người trong mọi hành động, từ lái xe cho tới sáng tác. Chỉ có phân tích nông hay sâu, nhanh hay chậm, theo cách nào, chứ không có ai hành động lúc tỉnh táo mà không phân tích. Khi nghe một bản nhạc, một bài thơ mà bảo là bài này khó hiểu cầu kỳ quá, không hiểu nổi, bài kia giản dị dễ hiểu nên dễ cảm, là đã có sự phân tích rồi (dù là một sự phân tích rất nông cạn). Một thí dụ điển hình của phân tích ở mức cao hơn, mà Ian bảo là nhà thơ không bao giờ làm, là khi chính anh địch hai câu thơ của e.e. cummings

my father moved through dooms of love
through sames of am through haves of give

thành

người yêu tôi gánh tử sinh
qua ta những của qua mình những dâng

Muốn chuyển đạt được cả ý lẫn âm điệu, hẳn Ian đã phân tích rất kỹ!

Tuy nhiên, phân tích là một chuyện mà nghiên cứu là một chuyện khác. Đem ra chữ "nghiên cứu" và bồi thêm "giáo sư giảng dạy" nữa thì thật là "trật đường rày".

Tôi đã từng nhiều lần thấy lối suy nghĩ rằng sáng tác hay thưởng thức thơ, nhạc (hay nghệ thuật nói chung) chẳng cần phân tích gì mà cứ để cho tác phẩm theo cảm hứng mà phọt ra từ đáy lòng hay tự nó ngấm vào lòng mình (nhiều khi với sự trợ giúp của rượu, thuốc), và tôi biết rằng quan niệm này rất phổ biến trong khán thính giả cũng như trong các nghệ sĩ Việt Nam. Sự thực, đó chỉ là sáng tác hay thưởng thức ở mức sơ đẳng. Bảo rằng làm nghê, thuật chỉ có thế thì cũng như bảo rằng biết nói rồi thì không cần học đọc học viết, biết lội rồi thì không cần học bơi. Dĩ nhiên người không biết đọc có thể làm một bài thơ hay, nhưng bảo rằng làm người làm thơ không cần biết đọc thì thật là vô lý.

Nghe một bản bolero máy nước thì cảm ngay được, viết một bản nhạc như vậy cũng không cần phân tích sâu xa, nhưng muốn viết hay cảm cho thấu một bản nhạc giao hưởng mà không có khả năng phân tích thì làm sao mà làm được? Những nhà thơ lớn của Anh như Wordsworth và Coleridge không ngần ngại phân tích và nghiên cứu về tác dụng của âm điệu thơ, như ta sẽ thấy dưới đây, cũng như những nhạc sĩ lớn như Schoenberg phân tích và nghiên cứu rất kỹ về nhạc. Cầm tù sự sáng tạo hay thưởng thức nghệ thuật trong giới hạn "trực giác", phi lý trí là một thái độ rất thiển cận và cũng có thể nó là một bộ phận khó tách rời của cái "tinh thần lục bát" mà tôi nói trong bài: ghét mạo hiểm, không thích cấu trúc lớn, thích nhỏ nhoi, an phận, thích khuôn mẫu, thích êm ả.

Ian Bui: "Một điểm nữa là đa số thi sĩ thời nay hiếm người "học" về niêm luật trước khi bắt tay vào việc làm thơ (cái học khoa bảng thời phong kiến là chuyện khác, ở đây không dám bàn tới) Thường thì họ "vừa làm vừa học" một cách tự nhiên, dựa theo trực giác và cảm xúc nhiều hơn là theo sách vở. Những gì họ tự nghiệm ra trong quá trình làm thơ từ từ lại được các nhà học giả thu thập và công thức hoá thành những "kỹ thuật thơ", những "trường phái thơ" v.v. rồi mang chúng ra dạy lại cho các nhà lý luận phê bình. Và cứ thế thơ tiếp tục xoay vần..."

Anh Ian nói rằng thi sĩ thường "vừa làm vừa học một cách tự nhiên" thì cũng là học, có trái với gì tôi viết đâu? Đâu phải chỉ học thày hay học theo sách vở mới là học. Tự điển Anh định nghĩa giản dị: "To learn: to gain knowledge or skill" hoặc có thể thêm: "by study, experience or being taught". Học có thể là qua kinh nghiệm hay ngay ở trường, cũng có thể học bằng thí dụ như lối học case studies. Tiếng Việt cũng không lạ gì với quan niệm này: "Đi một ngày đàng học một sàng khôn", "học thầy không tày học bạn". Bất cứ khi nào mình lập lại một cái gì mà người khác đã từng làm, tức là có sự học rồi. Chẳng nhẽ VN có một triệu thi sĩ lục bát thì lục bát đã được sáng chế ra một triệu lần mà không ai học của ai?

Ian Bui: "Không riêng gì tiếng Việt, mà trong tiếng Anh ta cũng thấy tiềm ẩn cái nhịp Nhẹ-Mạnh đó -- còn gọi là iambic, và được xử dụng rất nhiều trong thợ Ta có thể nghĩ đến 'iamb' như đơn vị gốc (basic unit) của thi ca Anh ngữ -- từ cổ điển cho tới hiện đại cho dù được "ngụy trang" bằng nhiều hình thức khác nhau."... Từ thí dụ trên đây, ta có thể phỏng đoán rằng "iamb" không những là đơn vị căn bản trong tiếng nói (và từ đó tiếng thơ) của người Anh mà còn là của người Việt nữạ Và biết đâu nhiều thứ tiếng nói khác trên thế giới cũng giống như vậy mà ta không biết tới."

Tôi không đồng ý điểm này. Trong thơ Anh không phải chỉ có nhịp đôi iambic (nhẹ-nặng) mà còn nhiều tiết tấu khác: trochaic (nặng nhẹ), dactylic (nặng - nhẹ - nhẹ), anapaestic (nhẹ - nhẹ - nặng), spondaic, tribrachic, amphibrachic, choriamb v.v. Không thể gọi những cái đó là "iamb ngụy trang" được. Như

FAIR as a STAR, when only ONE
Is SHIning in the SKY

(Wordsworth) thì làm sao chia câu đầu thành iambs? Hoặc

TYger! TYger! BURNing BRIGHT
In the FORests of the NIGHT

(Allan Ramsay) nếu biến thành iambs và làm mất cái nhịp mạnh ở âm đầu thì làm sao diễn tả được sự khẩn trương trong ý thơ? Hoặc

TOUCH her not SCOURNfully
THINK of her MOURNfully...
ALL that reMAINS of her
NOW is pure WOmanly.

(Hood) nếu bỏ nhịp dactylic thì còn đâu vẻ trang trọng mà tác giả muốn diễn tả?

Ngay cả trong những thể iambic tetrameter (bốn nhịp đôi), iambic pentameter (năm nhịp đôi) rất thông dụng trong thơ Anh cổ (cũng như lục bát ở VN), tiết tấu cũng không đều đều mà thường rất uyển chuyển:

of MAN's / FIRST / disoBED / ience, and / the FRUIT...

(Milton)

Câu trên viết trong thế kỷ 17. Các thi sĩ Anh tiếp tục khai phá các nhịp uyển chuyển, non-iambic trong thế kỷ 18. Encyclopedia Britannica 1998 viết là thời đó chỉ những thi sĩ hạng quèn mới viết theo những nhịp cứng nhắc ("minor poets composed in a strictly regular syllable-stress verse devoid of expressive variations"). Sang thế kỷ 19 thì hai thi hào Anh là Wordsworth và Coleridge đã bàn cãi rất hăng về vai trò của tiết tấu trong thơ và ảnh hưởng tâm lý của nó lên độc giả (tức là họ đã phạm tội... phân tích và thậm chí nghiên cứu, và do đó không còn là thi sĩ nữa, nếu dùng tiêu chuẩn của anh Ian!) và Walt Whitman ở Mỹ đã thí nghiệm với thơ tự do từ tiền bán TK19. Và khỏi cần nói, trong thơ Anh Mỹ cận đại thì lại càng phóng túng hơn (trong khi đó thì nhiều thi sĩ VN vẫn theo lục bát một cách cứng nhắc, giống như các "minor poets" của TK18 bên Anh).

Ian Bui: "Tuy nhiên không phải vì cái nhịp Nhẹ-Mạnh đó mà câu thơ lục bát biến thành ê a hay có tính cách "ru ngủ". Ê a hay không là tùy ở cách ta đọc thơ hay ngâm thơ! Dù gì đi nữa, thơ vẫn là một môn "nghệ thuật diễn" (performing art), bởi ngoài yếu tố từ ngữ thơ còn đòi hỏi sự góp phần của âm thanh, khí quyển, nét mặt, bộ tịch v.v. Và đây cũng là một điểm khác biệt nữa giữa Thơ và Văn."

Quan niệm rằng thơ là một "nghệ thuật diễn" rất là gượng gạo - thử hỏi có bao nhiêu người đã được nghe "diễn" Kiều, "diễn" Chinh Phụ Ngâm mà sao đọc vẫn thấy hay? Trong 100 thi sĩ hiện dại thì có bao nhiêu người biết ngâm thơ hay có khả năng tưởng tượng thơ mình ngâm ra làm sao? Trái lại, có nhiều người (ngay cả thi sĩ) cho rằng "đọc thơ" có cái hay của nó mà "ngâm thơ" không có. Tôi đã từng dự những buổi trình diễn thơ trong đó không có thi sĩ nào ngâm thơ của mình cả, họ chỉ đọc thẳng ra, và ta phải kết luận rằng bài thơ mà họ sáng tác là để viết và đọc, không cần ngâm (tuy rằng nếu ngâm thì CÓ THỂ họ cũng thích, cũng như nếu được phổ nhạc hay minh họa bằng một bức tranh thì họ lại càng hãnh diện).

Sự thực, khi một bài thơ đã được ngâm lên, cũng như khi nó được phổ nhạc, thì nó đã thành một tác phẩm, một thể loại khác chứ không phải là bài thơ nguyên thủy nữa. Trong bài của tôi cũng đã nói về sự khéo léo của nhũng người ngâm thơ VN và những tác giả dân ca VN đã có thể biến hẳn cái vẻ ru ngủ của lục bát. Tuy nhiên, cũng không thể chối bỏ rằng người mẹ VN chuyên môn dùng lục bát để ru con!

Ian Bui: "Nhưng bởi vì âm điệu trong lục bát không tạo sự "căng thẳng" (build-up) để giải quyết (resolve) nên làm thơ bằng thể lục bát rất khó. Muốn dựng nên một cấu trúc chặt chẽ, có build-up, có resolution đòi hỏi thi sĩ phải khéo tay, khéo tai, và dày công phu. Có lẽ vì thế mà nhà văn Nguyễn Tuân đã có lần hỏi một tay thi sĩ nọ: "Anh nói anh làm thơ à? Vậy anh chiềng vài câu lục bát cho tôi nghe thử xem sao!"

Đồng ý rằng làm thơ lục bát đặc sắc thì rất khó, cũng như làm một bản nhạc bolero đặc sắc rất khó. Nhưng những bài lục bát thấy đầy rẫy trên mạng và trong các báo hàng ngày cũng như các báo văn thơ phổ thông có phải làm ra để thi sĩ thử tài đặc sắc hay không? Hay là chỉ vì thấy nó nhịp nhàng êm tai và dễ làm? Cũng như trong tân nhạc VN có bao nhiêu bài slow rock và bolero, có phải là vì nhạc sĩ VN rất có tài nên thích dùng những nhịp cũ kỹ để chứng tỏ sự đặc sắc của mình, hay chỉ vì slow rock và bolero đã đầy rãy trong tân nhạc và dễ lấy làm khuôn sáo để hấp dẫn thính giả dễ dãi?

Ian Bui: "Cái hay của Kim Vân Kiều không nằm ở tính cách "ru ngủ" của lục bát, mà nằm ở cái tài của Nguyễn Du khi dám dùng một thể thơ hết sức bình dân và mộc mạc để chuyển tải những tư tưởng lớn của dân tộc, dám thách thức lối làm thơ của giới "học phiệt" thời bấy giờ, ịẹ đường luật, thất ngôn, v.v. Và ông đã thành công, mặc dù thể thơ lục bát hết sức gò bó và khó haỵ Chính Nguyễn Du là người đã đưa lục bát lên ngang hàng với các thể thơ "chính thống" khác; chẳng khác nào Andre Segovia đã đưa cây guitar lên ngang hàng với violin hay piano trong âm nhạc cổ điển Tây Phương vậy! Và cũng như cây đàn guitar, lục bát cũng có giới hạn của nó. Tuy nhiên, dưới bàn tay của các bậc phù thủy thì guitar hay lục bát gì cũng có thể nghe hay được cả."

Chỗ này chắc anh Ian không xem kỹ bài của tôi trong đó tôi viết

"Về mặt âm điệu (xin nhấn mạnh tôi không muốn nói về những khía cạnh khác ngoài âm điệu), truyện Kiều là mấy ngàn mô đất nhỏ đứng cạnh nhau chứ không phải là một rặng núi lớn."

Vì vậy anh đã lạc đề khi kéo câu chuyện ra ngoài vấn đề âm điệu, và lại đi giải thích những cái hay của truyện Kiều, làm như tôi không cảm được những cái hay đó (và còn nhiều cái hay khác mà anh Ian không bàn tới)! Đó là không kể những ý vô căn cứ như "[Nguyễn Du] dám thách thức lối làm thơ của giới "học phiệt" thời bấy giờ" - một sự áp đặt cách suy nghĩ của thời nay vào người xưa.

Còn anh bảo dưới bàn tay của các bậc phù thủy, lục bát cũng có thể nghe hay thì tôi hoàn toàn đồng ý. Tôi cũng biết là Ian đã có nhiều thí nghiệm rất hay về thơ lục bát, mà anh đã cho vài thí dụ (và trước đó tôi cũng đã được đọc). Tuy nhiên không biết trong thi đàn Việt Nam có bao nhiêu phù thủy. Thí dụ mà anh đưa ra từ thơ của mình:

Nằm
nghe nhịp đập
trong tim của Người
mà tưởng là tim của mình!

không phải là lục bát nữa, vì nếu đọc theo lục bát sẽ thành một bài thơ rất dở, còn dở hơn những câu mà anh gọi là vè như "Trúc xinh..." rất nhiều. Chỉ khi nào quên hẳn vẻ lục bát đi thì mới thấy nó hay được. Do đó, tính cách lục bát của nó chỉ là một trò đùa trí tuệ, hoàn toàn không có thi tính. Điểm đó cũng hùng hồn chứng minh cho những điều tôi nói về cái tầm thường, khuôn sáo của âm điệu lục bát.

Tôi mong đợi những bài góp ý khác về vấn đề này. Tuy nhiên, tôi cũng mong rằng rằng chúng ta nên xử dụng lý lẽ chính đáng, chứ đừng dựa vào những lập luận như "anh không làm thơ (hay anh là giáo sư giảng dạy)...". Không cứ là phải làm thơ mới biết thưởng thức thơ, cũng như không phải làm nhạc mới thưởng thức được nhạc. Hơn nữa, người sáng tác nào cũng lâu lâu cần phải nhìn vào nghệ thuật của mình với một con mắt khác, nhất là nếu con mắt đó không đi theo khuôn sáo thường lệ mà mình đã quen thuộc. Nếu kinh nghiệm làm thơ của Ian giúp được anh thấu hiểu vấn đề hơn người khác, thì anh sẽ dư lý lẽ để mà thảo luận trên căn bản bình đẳng, không cần phải dùng thành tích của mình để mỉa mai người "ngoại đạo", mà cũng không cần phải "nhái giọng" người khác, một hình thức thảo luận mà ta không muốn thấy trong một tạp chí văn học nghệ thuật.

Phạm Quang Tuấn

Go to main music page