Vài nhận xét về tác phẩm biên khảo Nhạc Khí Dân Tộc Việt.
Phạm Quang Tuấn

Nhạc Khí Dân Tộc Việt
(sách và CDROM)

Tác giả: Võ Thanh Tùng
Nhà Xuất Bản Âm Nhạc, 2001
444 trang
Sách: VND68,000, CDROM: VND120,000

Địa chỉ đặt mua:
Công ty phát hành sách FAHASA,
TP Hồ Chí Minh
http://www.fahasasg.com/

Thật khó tả nổi nỗi ngạc nhiên, khâm phục và vui mừng của tôi khi đọc tác phẩm Nhạc Khí Dân Tộc Việt của Võ Thanh Tùng. Ngạc nhiên vì đã nhiều lần đọc những sách biên khảo về nhạc và về những bộ môn khoa học hay nghệ thuật khác từ Việt Nam, tôi nhận thấy một sự thiếu nghiêm túc trong công việc khảo cứu cũng như trong cách trình bày. Rất ít tác phẩm biên khảo nào từ VN đạt được những tiêu chuẩn gay gắt mà thế giới ngày nay đòi hỏi (tôi cũng hoàn toàn thông cảm với hoàn cảnh khó khăn các nhà khảo cứu VN phải đương đầu, nhưng phải công nhận sự thực này). Vui mừng vì trong khung cảnh khó khăn đó, có một tác phẩm - mà lại là một tác phẩm về âm nhạc, không phải là một ngành "mũi nhọn" được chính quyền lưu tâm giúp đỡ - đã đạt được những tiêu chuẩn khe khắt đó. Và khâm phục một tác giả đã hy sinh thời giờ, tâm huyết để âm thầm thực hiện một công trình biên khảo-phổ biến vĩ đại và hữu ích cho gia tài văn hóa Việt Nam.

Nhạc Khí Dân Tộc Việt là một công trình biên khảo multimedia đầu tiên của Việt Nam xứng đáng với danh hiệu này. Nguyên bộ là một cuốn sách bìa cứng in rất đẹp và một CDROM, nhưng về mặt xử dụng thì CDROM có ích hơn. Chủ đề là nhạc khí dân tộc Kinh (không có nhạc khí các sắc tộc khác). Sách này là luận án bằng thạc sĩ lý luận âm nhạc của NS Võ Thanh Tùng và đã được giải thưởng Âm nhạc VN năm 2001.

Âm nhạc truyền thống VN là một loại nhạc khó truyền đạt gián tiếp vì không có ký hiệu nào có thể diễn đạt được những uyên áo của thang âm và những tô điểm luyến láy, mổ, rung v.v. đặc sắc của nó. Từ xưa đến nay, nhạc truyền thống VN chỉ được lan truyền bằng một cách duy nhất là từ thầy tới trò. Đó là một hãnh diện (ngầm) của các nhạc sư VN, nhưng đồng thời cũng là một lý do tại sao nhạc truyền thống càng ngày càng mất chỗ, kém thịnh hành so với nhạc phương Tây. Một thanh niên ham thích tân nhạc có thể tìm một trong vô số những cuốn sách tự học ngoài tiệm sách và đi càng ngày càng sâu vào nhạc Tây phương. Nhất là ở hải ngoại, sách vở học tập nghiên cứu cũng như website trên internet có thể nói là nhiều vô số kể. Nhưng nếu muốn đi vào nhạc truyền thống VN cách đó thì ... vô phương! Ngay cả những tác phẩm mang tiếng là khảo cứu về âm nhạc cổ truyền VN của những nhà nghiên cứu nổi tiếng trong và ngoài nước cũng ít khi đạt được yêu cầu vì chỉ ... nói cho những người đã biết rồi, chẳng hạn có thể kể lể thể loại này thể loại khác, điệu thức này hơi nọ bằng chữ viết, chứ không truyền đạt được cho người đọc là tác giả đang thực sự muốn nói cái gì. Một cuốn sách nghiên cứu về cổ vật có thể dùng ảnh để truyền đạt được hình dáng cổ vật đó ra sao, chứ một cuốn sách về cổ nhạc thì vô phương! Và điều đó khiến nhiều tác phẩm về nhạc truyền thống trở thành phiếm diện, chỉ mô tả bằng chữ mà không truyền đạt được ý. Nếu giả dụ âm nhạc đó thất truyền thì không thể tái tạo bằng kho sách đã viết.

Với Nhạc Khí Dân Tộc Việt, nhạc sĩ Võ Thanh Tùng đã tìm thấy một giải pháp tuyệt vời cho vấn đề truyền đạt nhạc truyền thống VN. Multimedia cho phép ông có thể diễn đạt mọi âm thanh mà không phải đi qua ký hiệu (visual symbol). Mỗi ngón nhạc, câu nhạc có thể vừa đọc trên trang hình, vừa nghe qua wave file mà không sợ bị mất một microtone nào.

Tác phẩm không có một mục lục duy nhất, mà có nhiều "mục lục" khác nhau tùy theo sự quan tâm của độc giả. Đây có thể là một quan niệm mới mẻ cho những người chỉ quen đọc sách, nhưng rất tự nhiên và hợp lý trong thế giới điện tử. Mục lục "Tham khảo toàn diện" được chia như sau:

Nhưng nếu người đọc quan tâm về tổ chức dàn nhạc thì bấm lên mục lục "Tổ Chức Dàn Nhạc", sẽ được đưa vào phân loại:

A- Dàn Nhạc Cung Ðình (Court orchestra):

B- Dàn nhạc Tuồng (Hát Bội) (Orchestra of classical opera Tuồng)

C- Dàn nhạc Chèo

Và cuối cùng là một hyperlink index xếp theo abc để tiện cho người đọc đến thẳng tiết mục mà mình quan tâm. Index đầy đủ chi tiết là một cái không thể không có trong bất kỳ tác phẩm nghiêm túc hay bán-nghiêm túc nào của các nước tân tiến, nhưng hầu như không bao giờ thấy trong các tác phẩm phát hành ở VN! (Thực ra, index cũng không có trong cuốn sách NKDTV, mà chỉ có trong CDROM.)

Tên tác phẩm là Nhạc Khí Dân Tộc Việt, nên dĩ nhiên việc mô tả các nhạc khí là quan trọng hơn hết. Mỗi nhạc khí được thứ tự mô tả đầy đủ theo các tiết mục:

Sau khi mô tả, tác giả dẫn tới tiết mục "Các nhạc khí tương tự ở Ðông Nam Á": điều này cho thấy tác giả đã lưu tâm đặc biệt đến xuất xứ và chỗ đứng của nhạc khí Việt Nam trong khung cảnh thế giới, là một điều rất đáng lưu tâm.

Vì các nhạc khí đều được mô tả theo khuôn mẫu đó, nên xin lấy một ví dụ tiêu biểu: đàn Nguyệt. Bấm lên index ở chữ Đ (hoặc tuần tực qua các links: Các bộ nhạc khí / Nhạc khí dây / Nhạc khí dây gảy / Đàn Nguyệt), ta tới trang đàn nguyệt. Một tấm hình cho ta thấy ngay hình dáng của đàn. Trong phần giới thiệu sơ lược, cho biết các tên khác nhau (Ðàn Kìm, Vọng nguyệt cầm, Quân tử cầm) và công dụng tổng quát. Hình dáng, kích thước, chất liệu của đàn, phím và dây đàn được tả kỹ càng. Hệ lên dây (tuning) tả đầy đủ theo ký âm Tây phương và truyền thống (hò, xự, sang...), rồi tới một đoạn độc tấu bài Lưu Thủy Trường bằng wav format và ký âm Tây phương. Ảnh kèm theo cho thấy tư thế gảy đàn. Những kỹ thuật đặc biệt cả tay phải lẫn tay trái: ngón phi, ngón rung, ngón nhấn, ngón nhấn luyến, ngón nhấn láy, ngón vỗ, ngón vuốt, v.v. được tả bằng ký âm và đôi khi có âm thanh. Sau đó nói về vị trí đàn Nguyệt trong các dàn nhạc (với hyperlink tới các chương liên hệ về các dàn nhạc này: Dàn Bát âm, dàn nhạc Lễ). Cuối cùng nói về đàn Chapet (chapey) của Campuchia là một loại đàn tương tự nhưng không có nhấn luyến.

Với cách trình bày công phu, khoa học, nghiêm túc và hiện đại, với số liệu dữ kiện to lớn (khoảng 400 đoạn nhạc ký âm, 600 hình ảnh, 700 ví dụ âm thanh), tác phẩm này đã khiến tôi vô cùng khâm phục tác giả đã âm thầm hy sinh thời giờ và tâm huyết cho một tác phẩm biên khảo rất giá trị của nền âm nhạc Việt Nam. Trong lời giới thiệu, GS Trần Văn Khê đã không ngần ngại khẳng định: "Nhờ có đủ kiến thức về hiện đại của tin học và phương pháp luận, [tác giả] đã hoàn thành một công trình độc đáo đến nay chưa thấy trên đất nước Việt Nam".

Có lẽ chỉ còn thiếu một điểm nhỏ (nhưng có thể thông cảm) trước khi tác phẩm này có thể hoàn toàn gọi là multimedia, là không có phim (movie) để biểu diễn cách nhạc công đánh những ngón đàn, trống... Tuy nhiên, đây là một đòi hỏi quá to lớn cho một bước đầu, chỉ xin đưa ra như một đề nghị cho các nhà nghiên cứu âm nhạc sau này.

Nói rộng ra, tác phẩm này đã khai phá một con đường mới cho sự phổ biến và giáo dục âm nhạc cổ truyền VN. Từ nay, không còn một nhà khảo cứu nhạc học VN hay thầy dạy nhạc cổ truyền VN có thể viện vào những "uyên áo" của ngón đàn cổ nhạc để biện minh cho sự thiếu khả năng truyền đạt của loại nhạc này. Lý do này có thể đúng trong các thời đại trước nhưng không còn đứng vững trong thế kỷ 21, vì các phương tiện vi tính, multimedia và internet đã hoàn toàn xóa bỏ sự thiệt thòi của "cổ" so với "tân", "Đông" so với "Tây". Sự thực, không có lý do gì để nói rằng dạy hay học nhạc cổ truyền (ít ra là tới một mức độ biết chơi và biết nghe cho đúng) thì khó hơn là dạy hay học một ngoại ngữ để nói và nghe cho chuẩn: đã có rất nhiều phương pháp multimedia dạy ngôn ngữ một cách hữu hiệu. Trong thế kỷ 21, nếu nhạc truyền thống VN mà không được phổ biến rộng rãi, ít ra là trong thính giả VN, và đóng một vai trò xứng đáng trong âm nhạc đương đại của VN, thì chỉ có thể qui lỗi cho các nhà hữu trách về giáo dục và nghiên cứu âm nhạc VN không nhìn thấy chiếc đũa thần mà Bill Gates đã để ngay trước mắt họ.

Phạm Quang Tuấn
Sydney