Buổi song tấu nhạc Jarai tại Sydney
Phạm Quang Tuấn


composition

Tối thứ bảy 21/3/2009 bọn tôi tổ chức một buổi nhạc Tây Nguyên với Tih Chram, một nghệ nhân/nhạc sĩ Jarai, Nguyễn Thị Diễm Ly, một nhà xã hội học và khảo cứu nhạc dân tộc, và linh mục Trần Sĩ Tín đã sống và truyền giáo ở Tây Nguyên 40 năm, cùng nhạc sĩ tây ban cầm/nhà soạn nhạc Hoàng Ngọc Tuấn. Khách đều là những nhạc sĩ và bạn bè yêu nhạc. Cha Tín, Diễm Ly và Tih qua đây để quyên tiền cho những hoạt động từ thiện giúp người Thượng. Mời Tih, Diễm Ly và Hoàng Ngọc-Tuấn tới trước (cha Tín tới sau vì đã được mời ăn chỗ khác) để thưởng thức chem chép và thịt chiên thui ở quán "Ngàn Sao" sau vườn.

8 giờ tối khách lần lượt tới. Khởi đầu là Tih độc tấu đàn gong và đàn t'rưng do chính anh làm ra (anh chơi được 8 thứ đàn và làm đủ mọi loại đàn của dân tộc Jarai). Anh cũng biểu diễn cách tune đàn t'rưng (bằng cách gọt đầu thanh tre để cao thêm, vót cạnh để trầm xuống), cách buộc ống tre vào những nodes của thanh tre, v.v. Anh cũng đệm đàn cho Diễm Ly hát một bản thánh ca bằng tiếng và âm điệu Jarai. Sau đó Hoàng Ngọc Tuấn độc tấu hai bản guitar theo âm hưởng nhạc Tây nguyên.

Tih tuning t'rung
Tih Chram biểu diễn cách điều chỉnh độ cao
(tune) đàn t'rưng

Phần hai là Diễm Ly giới thiệu cuốn sách biên khảo về nhạc Tây Nguyên của cô. Chính quyền hồi trước có chính sách đồng hóa, nên cấm người Thượng không được mặc y phục (khố và váy), chơi nhạc và tổ chức các lễ hội cổ truyền. Lâu dần giới trẻ bắt đầu quên đi và có mặc cảm tự ti dân tộc, xấu hổ với văn hóa Jarai của mình. Sau khi tốt nghiệp môn xã hội học, Diễm Ly lên Cao nguyên giúp cha Tín và đã bỏ ra gần 20 năm để sưu tầm, ghi chép và khôi phục nhạc Tây Nguyên. Cô tìm những nghệ nhân có tuổi và thuyết phuc họ dạy lại giới trẻ, may lại quần áo cổ, học múa hát Jarai, tổ chức lại lễ hội khi chính sách được nới lỏng vì ảnh hưởng quốc tế.

Những việc này làm song song với công việc từ thiện như đào giếng (vì họ bị người Kinh đẩy sang những khu khô cằn, không có nguồn nước), mua bò bê để giúp các gia đình nghèo, và đặc biệt là thuyết phục họ bỏ tục giết hài nhi. Ngày xưa nếu một người mẹ Jarai đang cho con bú mà chết, thì họ sẽ cho đứa trẻ uống rượu say rồi chôn sống theo. Họ tin rằng hai mẹ con sẽ vui sống với nhau bên thế giới bên kia, nếu không làm vậy đứa con không có sữa còn người mẹ sẽ nhớ con và linh hồn không siêu thoát. Có lẽ đó cũng là một tập tục phát sinh ra từ cuộc sống trong rừng núi quá gian nan. Nhóm truyền giáo của cha Tín thuyết phục họ bỏ phong tục đó, đưa trẻ cho gia đình khác nuôi, cung cấp sữa, cũng có một số trẻ phải nuôi trong trại mồ côi. Một tập tục khác cũng bỏ là khi sinh đôi thì giết một đứa, chắc vì người mẹ thiếu chất bổ để nuôi cả hai. Cho tới nay đã cứu được hơn hai trăm đứa trẻ, vài em đang học đại học. Những chuyện từ thiện này là Diễm Ly và cha Tín kể vào một buổi họp mặt khác ngày hôm sau (chủ nhật), còn tối thứ bảy thì chỉ chuyên chú vào âm nhạc. Tuy nhiên, bọn tôi cũng để một cái hộp nhỏ ở bàn nước để ai muốn đóng góp cho từ thiện thì bỏ vào.

Các nhạc sĩ Sydney đệm cho Tih
Các nhạc sĩ Sydney (Vũ Hùng, Nguyễn Lê Tuyên, Hoàng Ngọc-Tuấn) đệm cho Tih

Cha Tín là một linh mục cảm hứng (inspired) với triết lý Công Đồng Vatican 2 nên đã dấn thân phục vụ 40 năm ở Tây nguyên, đầu óc ông rất cởi mở, hòa mình với môi trường dân tộc. Ông cũng là một nhạc sĩ ngày xưa cùng cha Thành Tâm và nhiều linh mục khác lập ra ban nhạc Alleluia để hát những bài ca "vào đời" và viết lời nhiều bài ca Công giáo nổi tiếng. Trong những buổi nói chuyện, Diễm Ly lưu loát hùng hồn, còn cha Tín thì chất phác, ngắn gọn, không màu mè, dường như tâm hồn đã trở thành giống như người Thượng mà cha đã sống chung suốt 40 năm. Nếu đọc lời kêu gọi của cha viết trên web (http://www.chuacuuthe.org/2-28-09-loi-keu-goi-lm-tr-si-tin.html) sẽ cảm thấy phần nào tâm hồn và ngôn ngữ chất phác của ông.

Tih Chramchơi đàn gong
Biểu diễn đàn gong

Sau bài nói chuyện của Diễm Ly với nhiều hình ảnh và phim góp nhặt suốt trong cuộc đời nghiên cứu của cô, và nhiều câu hỏi từ thính giả, mọi người nghỉ giải lao, ăn chè thạch của chị Hiền đem tới. Sau đó là highlight của buổi họp mặt: cuộc hòa đàn giữa Hoàng Ngọc-Tuấn, nhà soạn nhạc, nghệ sĩ tây ban cầm và nhà nghiên cứu âm nhạc, tiến sĩ nhạc đại học New South Wales; và Tih Chram, nghệ nhân Jarai, người con của núi rừng, biết chế đủ loại nhạc cụ, tự học và đàn được tám loại đàn, nhưng chỉ "chơi bằng máu" (theo lời của anh) chứ hoàn toàn không biết cái gọi là "nhạc lý".

Vốn đã nghe Hoàng Ngọc-Tuấn hòa đàn ngẫu hứng nhiều lần với các nhạc sĩ dân tộc khác, ngay cả với những người anh gập lần đầu (như có lần song tấu với một nhạc sĩ người Kurd, cũng ở nhà chúng tôi) nên chúng tôi biết chắc là sẽ rất hay. Anh có tài nắm bắt ngay được những khía cạnh quan trọng của các loại nhạc dân tộc, từ âm giai điệu thức đến tiết tấu, âm sắc, nét hoa mỹ (ornamentation). Huống chi nhạc Tây Nguyên, mà anh đã quen thuộc khi sống gần dân tộc Thượng và đã từng sáng tác theo phong cách của họ. Nhưng đối với nhiều khán giả khác, chắc cũng hơi hồi hộp không biết hai người có "đi" được với nhau không hay là ... trật đường rầy! Diễm Ly còn nói trước "Để Tih đánh giọng chính, anh Tuấn đàn theo", chắc là sợ Tih theo Tuấn không được chăng. Hoàng Ngọc-Tuấn cười bảo: "Cứ relax, không sao đâu!".

Hoàng Ngọc-Tuấn
Hoàng Ngọc-Tuấn

Và quả nhiên những màn song tấu ngẫu hứng đã thành công quá sức tưởng tượng. Nếu trong những màn độc tấu ở phần đầu tiếng nhạc của hai nhạc sĩ chưa được sống động lắm, chưa "nóng máy", thì bây giờ hai tiếng đàn như đã tỉnh dậy, quyện vào nhau, lúc khoan lúc nhặt, lúc to lúc nhỏ, lúc nhường nhịn lúc ganh đua. Hai nghệ sĩ hoàn toàn thả hồn theo giòng nhạc như không còn biết ngoại cảnh, khán giả say mê chăm chú như bị hớp hồn. Hai tiếng đàn đối đáp như đôi bạn thân thiết, thậm chí như cặp tình nhân tâm sự với nhau. Không hiểu họ quyết định dứt lời lúc nào nhưng những âm thanh cuối hình như còn quyến luyến day dứt... Sau những tiếng vỗ tay vang dội, cha Tín là người ít nói cũng phải vọt ra những lời tán thưởng chân thành chất phác: "Một người rất uyên bác, rất hiểu biết về nhạc, một người thì... không có thể diễn tả ra được... mà lại hợp với nhau được! Hay quá!".

 

Links

Đàn t'rưng (Tih Chram) với sự phụ họa của các nhạc sĩ Sydney (mp3)

http://www.tuanpham.org/TihChram&Sticks.mp3

Tih & Diễm Ly trình diễn thánh ca Jarai

http://www.tuanpham.org/TihChram&DiemLy.mp3

Tih Chram độc tấu đàn t'rưng

http://www.tuanpham.org/TihChram.mp3


Hai bản song tấu của Tih Chram và Hoàng Ngọc-Tuấn (mp3):

Gong, t'rưng và tây ban cầm: http://www.tuanpham.org/TihChram&HoangNgocTuan1.mp3

T'rưng và tây ban cầm: http://www.tuanpham.org/TihChram&HoangNgocTuan2.mp3

 <>
Tih Chram độc tấu và nói về đàn t'rưng (video của anh Nguyễn Đức Hiệp):

http://www.youtube.com/watch?v=WylsJVt1abc

http://www.youtube.com/watch?v=M936iRNJesE

http://www.youtube.com/watch?v=a3jDz2ECS-A


và để xem thêm ảnh (Quỳnh Trâm) xin bấm vào đây:

Ảnh Quỳnh Trâm

Go to main music page