Góp ý về bài "Suy Nghĩ Về Trịnh Công Sơn"

 

 

 


Gần đây dactrung.net đăng một bài phê bình Trịnh Công Sơn [1] đưa ra những nhận xét khá gay gắt, và đặc biệt là những thống kê về sự lập đi lập lại những từ ngữ và ý tưởng trong ca khúc Trịnh Công Sơn. Cái nhìn này có thể không làm hài lòng nhiều người, nhưng phải công nhận là có cái mới mẻ đặc sắc của nó, khiến chúng ta phải suy nghĩ thêm về "hiện tượng" TCS, do đó tôi muốn đóng góp một vài ý kiến.

Bài của MusicHunger2003 rất dài nhưng có thể chia làm hai phần chính là phê bình nhạc và phê bình lời của Trịnh Công Sơn, nên tôi cũng xin góp ý theo hai tiết mục đó.

 

1. VỀ CA TỪ

Tác giả MusicHunger2003 viết:

Những từ ngữ, hình ảnh, ngay cả hình ảnh sáng tạo, đặc trưng của ông đã được sử dụng lập đi lập lại quá nhiều. Đó chính là giới hạn của TCS - sự sáng tạo bị ngừng lại, và ông chỉ loay hoay với những ý tưởng, hình ảnh cũ trong không biết bao nhiêu bài hát của ông. Vì vậy mà bao nhiều bài hát của ông đều có “cái gì đó” hao hao giống nhau.

và cho vài ví dụ:

Cứ mỗi 1.7 bài thì có 1 bài TCS nói về sự “đi”, “bước đi”. Cứ mỗi 1.9 bài thì có 1 bài có hình ảnh con đường. Cứ 2.4 bài thì ông lại đề cập tới “mưa”, 2.2 bài thì “bàn chân”, hay “lá cây” được nói tới; cứ viết 2.3 bài thì có một bài ông viết về “nắng”; cứ mỗi 3 bài thì trong một bài “môi” hoặc “giòng sông” được nhắc tới, v.v. Nói về cả ba hình ảnh “Nắng”, “Bàn Tay, Ngón Tay”, và “Nghe” thì đếm được 13 bài. v.v.

Những thống kê của bài này rất mới mẻ, chi tiết và đáng chú ý. Dường như chưa hề có ai làm thống kê như vậy cho các người viết ca khúc VN, hay cho các tác giả VN nói chung. Cách làm thống kê này là một đóng góp mới mẻ cho việc nghiên cứu nhạc VN.

Tuy nhiên, vì kỹ thuật mới bắt đầu áp dụng, nên những kết luận mà ta có thể rút ra từ đó hãy còn giới hạn. Vì chỉ làm thống kê cho Trịnh Công Sơn mà chưa có thống kê cho các tác giả khác, nên khó lòng so sánh để kết luận chắc chắn rằng lời và ý Trịnh Công Sơn có thực sự giới hạn hơn những người khác không. Nếu có thì giờ, xin áp dụng thử kỹ thuật này để phân tích nhạc Phạm Duy, rất mong có thống kê so sa'nh giữa hai tác giả này.

Cũng xin góp ý rằng nhưng thống kê về chữ và ý không thể nói hết về nghệ thuật trong ca từ Trịnh Công Sơn. Sự đặc sắc trong lời Trịnh Công Sơn không hẳn là trong những chữ hay ý mà ông dùng, mà ở cách sắp xếp những chữ và những ý ấy. Cách sắp xếp này rất đặc biệt, trước ông không có ai nghĩ tới (trong ca nhạc). Ông để cạnh những lời và ý tứ tưởng như không dính dáng gì với nhau, nhưng nghe rồi thì lại cho ta những liên tưởng, những hình ảnh rất nên thơ:

Em đứng lên gọi mưa vào hạ
Từng cơn mưa thì thầm dưới chân ngà

Ôi tóc em dài đêm thần thoại
Vùng tương lai chợt xa xôi …

(Gọi tên bốn mùa)

"đứng gọi", "mưa", "vào hạ" là những từ ngữ thường dùng và một nhạc sĩ hay thi sĩ dở có thể dùng một cách rất sáo, nhưng Trịnh Công Sơn ghép ba ý đó lại với nhau thì không sáo! "tóc em dài" "đêm" và "thần thoại" cũng vậy. Thêm vài ví dụ:

Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều …

(Lời buồn thánh)

Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người

(Một cõi đi về)


2. VỀ NHẠC

MusicHunger2003 viết: "Dĩ nhiên có nhiều nhạc phẩm đơn giản nhưng rất hay, và Trịnh Công Sơn đã có những nhạc phẩm đơn giản và hay. Tuy nhiên, hầu hết những nhạc phẩm của ông đều đơn giản như vậy, hay nói đúng hơn là đều đơn giản và giống nhau như vậy. Vậy thì còn gì là hay nữa?"

Tôi cũng đồng ý rằng nhạc Trịnh Công Sơn thuộc loại đơn giản. Tuy nhiên, giá trị sự đóng góp của một nghệ sĩ không tùy thuộc vào tác phẩm của họ đơn giản hay cầu kỳ, mà tùy vào nó có đặc sắc và mới mẻ không trong bối cảnh nghệ thuật lúc đó. Nếu các nhạc sĩ thời đó đều làm nhạc cầu kỳ, thì 1 nhạc sĩ làm nhạc đơn giản sẽ nổi bật và đóng góp của họ sẽ lớn vì họ làm cho nhạc VN trở nên đa dạng và mở một con đường mới. Ngược lại, nếu mọi người đều viết nhạc đơn giản mà có một nhạc sĩ viết nhạc cầu kỳ thì cũng là một đóng góp lớn chẳng kém.

Tân nhạc VN thời đó, ngay cả nhạc của Văn Cao, Cung Tiến hay Lê Thương, cũng không thể gọi là cầu kỳ hay sophisticated trong bối cảnh thế giới, vì dù sao nó cũng chỉ thuộc loại nhạc phổ thông. Nhạc Trịnh Công Sơn tuy đơn giản hơn một bậc nhưng có một vẻ phóng khoáng riêng mà tôi nghĩ rất thích hợp cho lời ca của ông. Trong khi tất cả các ca khúc phổ thông thời đó đi theo luật cân phương với những câu những nhịp đều đặn, thì nhiều ca khúc Trịnh Công Sơn có những giai điệu và tiết tấu rất phóng khoáng đối với thời đó. Chẳng hạn bài Hạ Trắng:

Gọi nắng
trên vai em gầy đường xa áo bay
Nắng qua mắt buồn lòng hoa bướm say
Lối em đi về trời không có mây
Đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy …

hai notes đầu đột nhiên nổi lên rất bất ngờ, ấn tượng, gây ngạc nhiên, rất khác nhạc VN thời đó. Một đoạn nhạc gồm năm câu làm biến mất sự cân phương, gây cảm giác phóng khoáng. Cũng xin nói là Trịnh Công Sơn hãy còn bị áp lực của lối viết nhạc phổ thông thời đó nên thường phải "cưỡng ép" những lời rất không cân phương vào những khung nhạc 8 ô nhịp. Có thể ông đã làm vậy vì bị những nhạc sĩ bảo thủ chê là "không viết đúng nhạc lý".

(Ghi chú thêm: Chỉ nhạc VN thôi, vì nhạc ngoại quốc thì có bài Summer Time của Gershwin cũng cùng tên, cùng những notes đầu, và giai điệu đoạn đầu tương tự:

Summer time
And the living's easy …
)

Tuổi Đá Buồn không ngắt thành câu rõ rệt mà tuôn ra một chuỗi thật dài:

Trời còn làm mưa mưa rơi mênh mang từng ngón tay buồn em mang em mang đi về giáo đường ngày chủ nhật buồn còn ai còn ai …

Lời Buồn Thánh bắt đầu với những câu ngắn (hay một câu tách ra thành những hơi ngắn) trong nhịp 3/4:

Chiều / chủ nhật buồn / nằm trong / căn gác đìu hiu

rồi chuyển qua những câu dài trong nhịp 4/4:

Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều …

Những tiết tấu phóng khoáng như vậy, ngày nay thấy rất thường, nhưng ở thời đó thì rất hiếm.

 

KẾT LUẬN

Những ý kiến của tôi có khi giống và bổ túc cho bài của MusicHunger2003, có khi trái ngược, nhưng có lẽ đại ý thì cũng không cách xa lắm.

Để tóm lại, nên đánh giá Trịnh Công Sơn ra sao? Theo thiển ý, nếu ông chỉ viết (hay chỉ phổ biến) chừng khoảng 30-40 bài, nhưng là những bài hay nhất của ông, thì sự đóng góp đáng kể của Trịnh Công Sơn cho âm nhạc VN không thể chối cãi được, cả về ca từ lẫn giai điệu, tuy ca từ có phần hơn. Tôi không dám so sánh các nhạc sĩ một cách quá khẳng định như bài kia, chuyện đó nên để thời gian trả lời.

Vấn đề là ông đã viết và phổ biến quá nhiều bài trong quá nhiều năm mà không tìm những con đường mới. Tuy đã có người nói về điều này, những thống kê của MusicHunger2003 đã đóng góp dữ kiện cụ thể để chứng tỏ điều ấy.

Trong quan niệm nghệ thuật thời nay, hài lòng với chỗ đứng của mình là điều tối kỵ của một nghệ sĩ. Vì là "thần tượng" nên rất có thể ông đã vô tình thành cái gương xấu cho một thế hệ nhạc sĩ, khuyến khích họ sản xuất "đại trà" những tác phẩm đơn sắc, không cố gắng tìm tòi đổi mới chính mình, nhiều khi đặt lượng lên trên phẩm. Đó không phải là lỗi của Trịnh Công Sơn. Việc ông được "tôn thờ" là sự lựa chọn của công chúng chứ ông có bắt người ta phải yêu thích hay bắt chước mình đâu.

Thông thường thì một nghệ sĩ dậm chân một chỗ như vậy sẽ nhanh chóng đi vào quên lãng. Nhưng trường hợp Trịnh Công Sơn thì không. Tại sao vậy? Theo tôi, câu trả lời không nằm ở Trịnh Công Sơn, mà nằm ở tình cảnh âm nhạc VN, và xã hội VN nói chung, thời hậu chiến, cũng như ở thái độ và trình độ nghệ thuật của quần chúng VN. Jefferson đã nói: people get the government they deserve. Ta cũng có thể nói: people get the music they deserve.

 

Phạm Quang Tuấn, 7/2005


[1] MusicHunger2003, Suy Nghĩ Về Trịnh Công Sơn, dactrung.net. Local copy.

 

HOME