Nhận định về bài "Nhạc Cổ Điển Phương Tây và niềm vui của người nghe"
của Vũ Ngọc Thăng (talawas 15/7/2003).

Phạm Quang Tuấn

Bài này đăng trong Talawas, 31/7/2003


Đọc bài của Vũ Ngọc Thăng, có nhiều điểm làm tôi không khỏi ngạc nhiên. Tuy nhiên, tôi đã do dự không biết có nên phản ứng không, vì như mọi người đều biết, giới âm nhạc (Việt Nam) ít ưa tranh luận về nghệ thuật của mình như giới văn học. Tuy nhiên, biết đâu vì vậy mà có vô số những ngộ nhận về âm nhạc trở thành thông dụng trong thính giả Việt Nam? Nghĩ vậy nên tôi xin góp ý.


Điểm thứ nhất:

talawas là một diễn đàn có mục tiêu bàn về các vấn đề hiện đại ("Discussion of contemporary issues...") và ngay cái banner của nó cũng xác định mục tiêu đó ("talawas: Forum for contemporary themes pertaining to Vietnamese contexts...") nhưng chủ đề của bài này không "hiện đại" chút nào! Nó "tuyên dương" nhạc cổ điển Tây phương và kêu gọi ta về với loại nhạc đó. Thậm chí, nó kêu gọi các cơ quan hữu trách Việt Nam bỏ tài nguyên vào loại nhạc đó.

"Nhạc cổ điển Tây phương" được tác giả định nghĩa hơi mập mờ, nhưng nhìn vào những tác giả được lấy làm tiêu biểu: Bach, Mozart, Beethoven, thậm chí Vivaldi, thì có thể hiểu là tác giả dùng chữ này theo nghĩa hẹp (thế kỷ cuối 17-19 ở Âu châu, trong giới nhạc còn gọi là Common Practice period). Vì vậy trong thư này tôi sẽ dùng từ "nhạc cổ điển Tây phương" (NCDTP) theo nghĩa đó.

(Chính xác mà nói thì Vivaldi, Bach thuộc về thời Baroque chứ không phải là cổ điển, và Beethoven thì bắt đầu bước vào Romantic, nhưng cũng có thể tạm chấp nhận họ thuộc về "nhạc cổ điển" theo cách hiểu của quần chúng.)

Bach (1685-1750), Mozart (1756-1791), Beethoven (1770-1827) là những người đồng thời của Voltaire (1694 Ờ 1778), Goethe (1749 - 1832), Byron (1788-1824), và trước cả Lamartine (1790-1869) Victor Hugo (1802-1885). Mà talawas có còn giới thiệu Voltaire, Lamartine cho độc giả văn học không?

Mọi bộ môn nghệ thuật phải được đặt trong bối cảnh văn hóa và nghệ thuật chung của xã hội của chúng, và căn bản mỹ thuật của các bộ môn đi song song với nhau. Không thể tách một bức tranh thủy mặc ra khỏi những bài Đường thi, và không thể tách những bản nhạc cổ điển Tây phương ra khỏi những bài thơ của Goethe, Lamartine hay những bức tranh của Ingres, Goya, mũm mĩm mượt mà nhưng kém phần ... hiện đại.

Hoặc là talawas quá khinh thường giới âm nhạc Việt Nam và cho là nó đi sau văn học, hội họa mấy trăm năm? Nói về trình độ của đa số thính giả VN thì cũng có thể như vậy, nhưng theo tôi hiểu, talawas không phải là một diễn đàn cho quần chúng mà có tính cách chuyên nghiệp và đi sâu, và như vậy thì tiêu chuẩn về bộ môn nhạc cũng phải tương ứng. Ở hải ngoại cũng như trong nước, không phải là không có người Việt nào có khả năng cảm nhận "nhạc nghệ thuật" (hiểu theo nghĩa rộng, không phải nghĩa của VNT) hoặc quan tâm đến những vấn đề trong nhạc hiện đại.


Điểm thứ hai:

Tác giả muốn chứng minh kết luận: "Tóm lại, nhạc cổ điển, một biểu hiện cao quý và chắc chắn nhất cuả giá trị văn hoá Phương Tây (và hôm nay, của cả Phương Đông), nên được mọi cơ chế có thẩm quyền (giáo dục, thông tin đại chúng, thày cô, cha mẹ ...) hết sức quan tâm mà tìm cách phổ biến cho người trẻ". Kết luận này gồm nhiều phần mà phần nào cũng không được chứng minh chặt chẽ:

1. "Nhạc cổ điển là một biểu hiện "cao quý và chắc chắn nhất của giá trị văn hóa phương Tây": Toàn bài không có gì để chứng minh điều nàỵ Những điều mà tác giả đưa ra (phản ứng người nghe, tác động của âm nhạc, các khuynh hướng hay động cơ sáng tác, khía cạnh tâm linh v.v.) có thể áp dụng chung cho nhiều loại nhạc, dòng nhạc, không phải chỉ cho "nhạc cổ điển tây phương". Có chăng là tác giả chỉ đưa những ví dụ từ nhạc cổ điển tây phương.

2. Ngay cả nếu ta chỉ nhìn vào dòng nhạc Tây phương tức là 1 phần của âm nhạc của nhân loại, tại sao nhạc cổ điển lại "cao quý và chắc chắn nhất"? Đây chỉ là một kiểu nói "lên gân", không có gì chứng minh trong bài nàỵ Có gì chứng tỏ rằng những dòng nhạc khác của Tây phương như jazz, atonal, electronic, những tác giả như Stravinsky, Bartok, Debussy, John Cage thua kém nhạc của những tác giả mà bài này lấy làm thần tượng (Bach, Mozart, Beethoven)?

Nếu có một chút kiến thức về lịch sử âm nhạc Tây phương, ắt ta phải biết rằng sở dĩ nhạc của các "thần tượng" Bach, Mozart, Beethoven được coi là "kinh điển" và được dạy cho tất cả các nhạc sinh nhập môn, là vì nhạc của họ tuân theo một cấu trúc hòa âm căn bản mà nhạc học bây giờ gọi là "Common Practice Period" (xin xem từ này trong mọi sách dạy nhạc nhập môn, ví dụ The Dynamics of Harmony: Principles & Practice của G. Pratt, 1997, cũng như mọi giáo trình căn bản của các trường nhạc).

Nhạc thời Common Practice theo một số nhỏ quy luật nhất định nên dễ nghe dễ cảm, không có gì để bàn cãi, và do đó nhũng bản được phổ biến trong quần chúng đều thuộc loại này (và nhạc phổ thông hiện thời của VN hầu hết cũng hãy còn nằm trong khuôn khổ này). Đó chính là lý do tại sao Bach, Mozart, Beethoven được coi như "thánh" và lừng lẫy trong quần chúng hơn là những khúc tác gia của thế kỷ 20 như Stravinsky, Satie, Bartok, những kẻ đã phiêu lưu ra ngoài khuôn khổ. Từ ngữ "Common Practice Period" hàm ý rằng sau đó, nhạc Tây phương đã trở thành đa dạng, không còn có thể gò bó trong một khuôn khổ duy nhất được nữa. Và nhất là sau khi phong trào nghiên cứu nhạc dân tộc (ethnomusicology) phát triển mạnh trong hậu bán TK20, cùng với cách suy nghĩ hậu hiện đại, hậu thuộc địa, không còn dòng nhạc nào có thể tự coi mình là "bá chủ", "cao quý nhất" cả.

3. Mà dù giả dụ là nhạc CDTP có "cao quý và chắc chắn nhất", thì có cần kêu gọi các "cơ chế có thẩm quyền hết sức quan tâm mà tìm cách phổ biến cho người trẻ" không? (Đây phải hiểu là các cơ chế của Việt Nam, vì bài này viết bằng tiếng Việt). Vì nhạc CDTP là gia tài văn hóa của các nước Tây phương, những nước giàu mạnh nhất trên thế giới hiện nay, chính phủ của các nước đó mỗi năm bỏ ra một ngân sách khổng lồ để gìn giữ và phổ biến nó. Có vậy nó mới sống mạnh được trong khi số người nghe tương đối ít (khoảng dưới 5% dân số, nếu ta nói về số người nghe "đàng hoàng", và không kể những người chỉ biết giậm chân, gật gù theo vài bản thịnh hành ngọt tai như "Blue Danube" và một số bài khác được dùng quảng cáo trên TV).

Số tiền các nước Tây phương bỏ vào các nhạc viện, các đại học, các chương trình trung học, các giàn nhạc, các đài phi thương mại, v.v. và để ... trả lương cho những popularizers như Leonard Bernstein, tôi không rõ là bao nhiêu, nhưng cộng lại chắc cũng phải vượt qua toàn bộ ngân sách của chính phủ Việt Nam rất nhiều lần. Vậy thì lý do gì mà Việt Nam ta phải "hết sức quan tâm" đến như vậy?

4. Có gì chứng tỏ rằng ngày nay NCĐTP cũng đã trở thành một biểu hiện "cao quý và chắc chắn nhất của giá trị văn hóa phương ĐÔNG"? Toàn bài không cho thấy tác giả đưa ra một dữ kiện nào về âm nhạc hay văn hóa phương Đông cả để chứng tỏ cái đó. Đồng ý là nếu ra những tiệm CD ta sẽ thấy tràn ngập những CD nhạc cổ điển Tây phương, nhưng như đã nói, đó là do một phần không nhỏ cái hậu thuẫn và ngân sách khổng lồ của các nước Tây phương. Ngày nay, không hiếm gì những nhà soạn nhạc Tây phương đi sang Đông phương và các nước khác để mở rộng tầm tai.


Ngoài những điểm chính đó, xin chỉ ra một vài chi tiết khác.

* Những từ như "nhạc bác học", "nhạc cao cấp", "nhạc nghệ thuật", "nhạc thuần túy", "nhạc tuyệt đối" mà tác giả bảo là "diễn tả phần nào" chỉ là những từ hết sức cảm tính, tìm cách "hấp dẫn, câu khách" bằng cách đánh vào cái tính kiêu căng của con người. Đây không phải là sai lầm riêng của bài này, mà khá phổ biến trong quần chúng, do những hàm ý cảm tính lâu đời đi chung với từ ngữ "classical" (mà từ điển Bookshelf định nghĩa là "of the highest class or rank, especially in literature or art", "chaste, refined, restrained, in keeping with classical art", v.v.).

* "Riêng về Nhạc cổ điển Phương Tây, bất cứ người nghe nào, khi đã thâm nhập vào được thế giới của nó, đều nói đến một thứ niềm vui, có khi là một chứng nghiệm kì thú dị thường": tại sao lại "riêng" về nhạc cổ điển phương Tây? Tác giả đã tra cứu bao nhiêu loại nhạc mà có thể kết luận là chỉ riêng nhạc CDTP mới cho ta những niềm vui và ký thú "dị thường" đó?

* Từ ngữ "nhạc chính xác" (Exact Music) của Leonard Bernstein rất là ... không chính xác. Ký âm chỉ là một phương tiện để truyền đạt ý của tác giả và không ký âm nào hoàn toàn chính xác cả. Nếu một cái computer chơi nhạc đúng như tác giả viết theo ký âm Tây phương (như hằng hà sa số những bản MIDI trên web) thì người nghe sẽ thấy chán phèo vì nghe vô hồn và chẳng chuyển tải được ý nghĩa gì cả. Do đó mới phải có những trường nhạc, những thầy nhạc để truyền đạt những cái "nằm ngoài ký âm".

* Phải đặt câu nói của Leonard Bernstein trong đúng bối cảnh của nó. Bernstein, ngoài công việc làm nhạc trưởng và khúc tác, còn là một nhà "phổ biến nhạc cổ điển" (classical music popularizer) danh tiếng, ông làm những chương trình radio, TV, viết sách để tuyên truyền cho loại nhạc đó. Ông cần dùng những khẩu hiệu bất ngờ, bắt tai (catchy) để làm trẻ em ... giật mình chú ý.

* Mà giả dụ nếu có "exact" thì cũng có gì hay đâu? Trái lại, sau vài thế kỷ ký âm truyền thống, nhạc sĩ Tây phương đã trở thành bức bách, khó chịu vì sự gò bó khủng khiếp của nhạc cổ điển. Họ khao khát đi tìm sự khác lạ, bất ngờ, "không chính xác", ngẫu hứng, mà họ thấy trong những nền nhạc Đông phương, Phi châu và nhất là - ngay trước mắt họ ở jazz. Một trào lưu lớn trong nền nhạc Tây phương TK20 là tìm cách để bứt ra khỏi cái chính xác đó. Cái "ngẫu tác" (improvisation) trong jazz và nhạc đông phương lại trở thành một giá trị quí giá đương đại!

* Một khuyết điểm nữa của nhạc cổ điển Tây phương (mà nhiều người lầm tưởng là ưu điểm, vì quan niệm hời hợt rằng "chính xác" là ... hay) là, do những đòi hỏi của hoà âm Tây phương cũng như sự xử dụng các nhạc cụ fixed pitch như piano, nhạc cổ điển Tây phương đã đánh mất hầu hết sự mềm dẻo trong việc xử dụng pitch để diễn tả. Họ hoàn toàn dựa vào những thay đổi về cường độ, tốc độ, màu sắc, nhưng mất hết những sự thay đổi về pitch. Không nói đâu xa, chỉ cần nghe một bài Vọng Cổ hay một bản đàn tranh VN với những microtones rờn rợn "nổi da gà" là đủ thấy nhạc CDTP đã đánh mất cái gì. Dĩ nhiên, ta không phủ nhận cái đẹp rất độc đáo và cao siêu của hoà âm Tây phương, nhưng cái gì cũng có cái giá của nó. Hoà âm Tây phương, nhất là những đòi hỏi của kỹ thuật chuyển giọng (modulation), đã đóng khung cả một nền nhạc lớn vào khuôn khổ mười hai notes cố định. Mãi đến khi jazz ra đời mới đem trở lại một phần nào cái mềm dẻo đó vào lại nhạc phương Tây với những "blue notes", "pitch bend" và cách diễn tả phóng khoáng.


Còn nhiều điểm khác nữa cần bàn nhưng xin đợi một bối cảnh nghiêm túc hơn. Bắt chước ông Vũ Ngọc Thăng, tôi xin "nói tóm lại" như sau:

Nhạc cổ điển Tây phương, theo định nghĩa của bài này, là một gia sản văn hóa vĩ đại và đáng nể phục của nhân loại, nhưng không thể gọi là "cao quí NHẤT", "chắc chắn NHẤT", "BÁ CHỦ" của văn hóa thế giới hiện đại. Nó không phải là cái tột cùng của thế giới âm nhạc. Tuy nhiên, nhạc cổ điển Tây phương là một bộ phận quan trọng trong chương trình giáo dục âm nhạc, song song với nhạc dân tộc và nhạc hiện đại. Tôi hoàn toàn đồng ý là giáo dục âm nhạc trong các trường trung học của Việt Nam quá kém và cần được chú ý hơn về mọi mặt.

Sydney, Australia

Trang nhạc Phạm Quang Tuấn